Pháp luật online

Nguyên tắc "đại diện hiển nhiên" trong pháp luật hợp đồng


Nguyên tắc "đại diện hiển nhiên" trong pháp luật hợp đồng
Đặt vấn đề
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có tranh luận về một vụ án kinh tế. Nội dung chính tranh luận làmột ngân hàng có phải chịu trách nhiệm cho khoản tiền gửi của bên thứ ba hay không, khi bên này giao dịch với một nhân viên của ngân hàng mình. Bài viết này thông tin về một khái niệm mới trong pháp luật hợp đồng theo thông lệ quốc tế. Đó là khái niệm “đại diện hiển nhiên”. Mục đích duy nhất của bài viết là cung cấp cho các nhà làm luật và cơ quan tòa án Việt Nam thông tin để tham khảo xem hệ thống pháp luật nước ngoài xử lý thế nào đối với vụ việc tương tự, để có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự của Việt Nam trong tương lai. Tác giả không có bất kỳ ngụ ý hay ám chỉ nào cho bất cứ bên nào trong vụ tranh chấp nêu trên. Những dẫn chiếu dưới đây chỉ nhằm giúp người đọc dễ hiểu.  
Một vấn đề quan trọng liên quan đến hiệu lực của giao dịch dân sự là: Liệu người mà mình giao dịch có thẩm quyền hay không? Đó có phải là người đã được người có quyền cho phép hợp lệ? Nếu không thì, như một nguyên tắc chung của mọi hệ thống, phần đại diện vượt quá thẩm quyền không có hiệu lực ràng buộc (vô hiệu) đối với người được đại diện. Người đại diện vượt quá phạm vi thẩm quyền/ủy quyền phải tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình đối với bên thứ ba.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để một bên thứ ba có thể biết được rằng, người mà mình đang giao dịch có thẩm quyền hay đã được ủy quyền hợp lệ hay chưa? Người được đại diện (cho dễ hình dung, ví dụ: một ngân hàng) có thể phát ngôn dễ dàng hay đưa ra những giấy tờ nội bộ để cho rằng, mình không hề biết gì về giao dịch đã xác lập hay người đại diện cho mình đã vượt quá thẩm quyền đại diện. Ví dụ: người đại diện chỉ có thẩm quyền giao dịch đến một mức tiền nào đó hay giao dịch phải thỏa mãn quy trình nội bộ ngân hàng v.v.. Hậu quả là, người được đại diện cho rằng, giao dịch giữa người đại diện và bên thứ ba không có hiệu lực ràng buộc với mình. Tác hạiở chỗ, tuy hợp đồng vẫn có hiệu lực ràng buộc giữa người đại diện và bên thứ ba (cho dễ hình dung, ví dụ: đó là nhân viên ngân hàng và người gửi tiền), nhưng trên thực tế, người đại diện không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình (đó làthanh toán tiền gửi và tiền lãi cho bên gửi tiền). Như vậy, trong nhiều trường hợp, bên thứ ba là bên chịu thiệt hại cuối cùng. Đây không phải là khó khăn riêng của Việt Nam mà trước đây, nhiều quốc gia khác đã mắc phải.
Nguyên tắc đại diện hiển nhiên  
Nhằm mục đích bảo vệ bên thứ ba ngay tình (tức là không biết và không thể biết người đại diện mà mình giao dịch cùng có đủ thẩm quyền hay không), hệ thống pháp lý nhiều nước đã thiết kế nên nguyên tắc đại diện hiển nhiên (tiếng Anh là apparent agency/apparent representation và tiếng Nhật là đại diện biểu kiến - dairi hyoken). Nguyên tắc này có nội dung cơ bản như sau:
“... Hợp đồng khi được lập bởi người đại diện vượt quá thẩm quyền của mình sẽ không ràng buộc người được đại diện trừ trường hợp người này (người được đại diện) thừa nhận/chấp thuận hành vi đã thực hiện của người đại diện. Tuy nhiên, người được đại diện sẽ chịu ràng buộc, kể cả khi không thừa nhận, nếu bằng lời nói hoặc hành vi của mình đã cho phép một người hiện diện ra với thế giới bên ngoài như là đại diện của mình và bên thứ ba, bằng suy luận hợp lý, tin rằng người này là người đại diện (của người được đại diện), vì thế đã giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này, thân chủ (người được đại diện) không thể vô hiệu việc đại diện “hiển nhiên” này nếu (việc vô hiệu) gây tổn thất cho bên thứ ba”.[1]
Tại Nhật Bản, các nhà làm luật đã thiết kế nên 3 điều luật rất quan trọng trong Bộ luật Dân sự (BLDS) Nhật Bản. Đó là các điều: Điều 109 “Đại diện biểu kiến”, Điều 110 “Đại diện biểu kiến khi vượt quá thẩm quyền” và Điều 112 “Đại diện biểu kiến khi hết thẩm quyền đại diện”.
Điều 109 quy định rằng: “Người khiến cho bên thứ ba tin tưởng rằng mình đã trao quyền đại diện nhất định cho một người khác phải chịu trách nhiệm cho hành vi trong phạm vi được cho là ủy quyền của người này đối với bên thứ ba”. Vì vậy, bất kể có hay không hành vi ủy quyền thực, nếu một người (người được đại diện) khiến bên thứ ba tin rằng anh ta đã trao quyền đại diện cho một người khác – người đại diện cho mình (bằng quảng cáo trên báo chí, thông báo, giấy ủy quyền chung, ủy quyền khống, cho phép sử dụng con dấu hay trụ sở v.v..) thì người này sẽ bị ràng buộc bởi giao dịch xác lập giữa người đại diện cho mình và bên thứ ba trong phạm vi được cho là ủy quyền đại diện. Trong một vụ án nổi tiếng tại Nhật Bản, nhân viên làm việc tại Tòa sơ thẩm Tokyo đã lập một văn phòng trong khuôn viên của Tòa và đặt tên là “Văn phòng phúc lợi của Tòa sơ thẩm”. Nguyên đơn bán văn phòng phẩm cho văn phòng này nhưng văn phòng không thanh toán. Nguyên đơn kiện Nhà nước Nhật Bản với lập luận rằng, Tòa sơ thẩm Tokyo và cơ quan trên nó là Nhà nước Nhật Bản và Nhà nước Nhật Bản phải chịu trách nhiệm cho giao dịch của văn phòng này, vì đã khiến cho nguyên đơn tin tưởng rằng đó thực sự là một cơ quan thuộc Tòa sơ thẩm. Dù thực tế không có mối liên quan chính thức nào giữa Văn phòng phúc lợi và Tòa sơ thẩm, nhưng Tòa án tối cao Nhật Bản vẫn tuyên rằng Tòa sơ thẩm đã tạo cho Văn phòng phúc lợi vẻ bề ngoài rằng, Văn phòng là một bộ phận của Tòa và vì vậy, Tòa sơ thẩm có trách nhiệm phải thanh toán cho nguyên đơn.[2]
Điều 110 BLDS Nhật Bản quy định: “Nếu người đại diện đã có hành vi vượt quá thẩm quyền của mình và bên thứ ba có lý do chính đáng để tin rằng người đại diện có thẩm quyền để thực hiện hành vi đó thì quy định của Điều 109 sẽ được áp dụng tương tự”. Trường hợp tại Điều 110 khác Điều 109 ở chỗ là người đại diện thực tế đã được ủy quyền đại diện. Tuy nhiên người đại diện khi thực hiện đại diện đã vượt quá phạm vi thẩm quyền của mình. Trong một vụ án, người đại diện được ủy quyền đi đăng ký sở hữu miếng đất. Để đăng ký, người được đại diện đã trao giấy tờ và con dấu cho người đại diện. Tuy nhiên, thay vì đăng ký, người đại diện lại đem bán miếng đất cho bên thứ ba. Tòa án tối cao đã phán quyết cho phép bên mua thứ ba được sở hữu miếng đất.[3]
Điều 112 quy định: “Việc chấm dứt thẩm quyền đại diện không thể dùng để đối kháng với bên thứ ba ngay tình trừ khi bên này vì lỗi vô ý đã không biết”. Nó có nghĩa là nếu bên thứ ba tin rằng người đại diện được ủy quyền đại diện (dù thẩm quyền này thực ra đã chấm dứt) mà giao dịch với người này thì, trừ trường hợp bên thứ ba biết hoặc buộc phải biết là thẩm quyền đại diện đã chấm dứt, thân chủ (người được đại diện) sẽ bị ràng buộc bởi giao dịch của người đại diện.
Tại các nước theo hệ thống thông luật, nguyên tắc đại diện hiển nhiên được áp dụng tại các án lệ, ví dụ: Royal British Bank v. Turquand [1856], Freeman & Lockyer v. Buckhurst Park Properties (Mangal) Ltd [1964] v.v.
Thực tiễn pháp luật Việt Nam và kiến nghị
Điều 8.1(c) của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 quy định rằng hợp đồng sẽ vô hiệu toàn bộ khi “người ký hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền hoặc có hành vi lừa đảo”. Điều 154 BLDS 1995 quy định rằng:
Điều 154. Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện
1- Giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện,trừ trường hợp người được đại diện chấp thuận; nếu không được chấp thuận, thì người không có thẩm quyền đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có thẩm quyền đại diện.”
Như vậy, một giao dịch dân sự hay kinh tế tại thời điểm mà BLDS 1995 và Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 còn hiệu lực, sẽ bị tuyên vô hiệu do người đại diện không có hoăc vượt quá thẩm quyền trừ trường hợp được người có thẩm quyền chấp thuận. Quy định này bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý trên thực tế. Cụ thể: Từ năm 1996 đến 2002 Ngân hàng V của Việt Nam đã cho Công ty S vay làm nhiều đợt với từng hợp đồng riêng rẽ. Trong số các hợp đồng này, một số được ký bởi Phó Tổng giám đốc của ngân hàng vì Tổng Giám đốc đi công tác nước ngoài trong thời điểm hợp đồng được giao kết. Công ty S không thanh toán nợ đúng hạn và Ngân hàng V khởi kiện công ty trước tòa án có thẩm quyền. Tại cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm toà án đều tuyên rằng các hợp đồng vay do Phó Tổng giám đốc Ngân hàng V giao kết là vô hiệu vì Phó Tổng giám đốc không có thẩm quyền (không phải là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng). Vì hợp đồng vô hiệu nên Công ty S chỉ phải trả lại cho Ngân hàng V khoản nợ gốc mà thôi, không phải thanh toán khoản tiền lãi theo thoả thuận.
Một ví dụ khác là vào đầu những năm 2000 tại TP. Hồ Chí Minh, một số người mua nhà giao kết hợp đồng mua nhà với một công ty bất động sản tại đây. Hợp đồng được giao kết giữa bên mua và nhân viên của công ty tại trụ sở công ty và có đóng dấu công ty. Tuy nhiên, sau đó công ty đòi vô hiệu hợp đồng vì người giao kết không phải là giám đốc (đại diện theo pháp luật của công ty). Toà án đã chấp nhận lập luận này và chỉ yêu cầu công ty trả lại tiền mua nhà cho người mua.
Rất nhiều nhà nghiên cứu và thẩm phán không đồng tình với giải pháp của BLDS 1995 (vô hiệu hợp đồng, hoàn trả hợp đồng về vị trí trước khi giao kết). Để bảo vệ bên ngay tình và làm cho quy định pháp luật đỡ cứng nhắc thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 (Nghị quyết 04).  Mục I.2 của nghị quyết này quy định rằng:
“2. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT thì hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ khi: “Người ký hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền...”.
Để phù hợp với tinh thần quy định tại Điều 154 Bộ luật Dân sự [1995]thì hợp đồng kinh tế không bị coi là vô hiệu toàn bộ, nếu người ký kết hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, người mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế đó (sau đây gọi tắt là người có thẩm quyền) chấp thuận. Được coi là người có thẩm quyền chấp thuận nếu người đó đã biết hợp đồng kinh tế đã được ký kết mà không phản đối.
Tiếp theo đó, Nghị quyết 04 chi tiết một số trường hợp mà người có thẩm quyền được coi là đã biết và không phản đối như khi người này đã được báo cáo, đã thông qua chứng từ, tài liệu liên quan đến hợp đồng, tham gia vào việc thực hiện hợp đồng hoặc hưởng lợi từ hợp đồng.
Tiếp thu tinh thần của Nghị quyết 04, Điều 146 BLDS 2005 quy định như sau:
 Điều 146. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện...”. 
Như vậy, toà án và các nhà làm luật Việt Nam đã cố gắng để bảo vệ bên ngay tình trong hợp đồng bằng cách cho phép hợp đồng có hiệu lực nếu bên được đại diện hoặc đồng ý hoặc biết mà không phản đối. Tuy nhiên, cách tiếp cận này của Việt Nam không đủ và không hợp lý. Nó cũng bảo vệ thái quá bên được đại diện, coi nhẹ hoặc bỏ đi lợi ích của bên thứ ba ngay tình, vốn là bên - về nguyên tắc của dân luật - luôn phải được ưu tiên bảo vệ.
Cụ thể, trong trường hợp vượt quá thẩm quyền đại diện nêu tại Điều 146 BLDS năm 2005, bên giao dịch phải có nghĩa vụ chứng minh rằng người được đại diện đã đồng ý hoặc đã biết mà không phản đối. Việc chứng minh này không dễ vì những điều kiện phải chứng minh hoàn toàn thuộc về vấn đề nội bộ của bên đối tác (bên được đại diện). Việc tiếp cận thông tin, tài liệu của bên đối tác là điều bất khả thi trong bối cảnh của pháp luật tố tụng Việt Nam hiện tại. Thêm vào đó, nếu ác ý thì người được đại diện có thể dễ dàng phủ nhận hoặc cung cấp những tài liệu sai lệch để phủ định sự liên can của mình.
Ngược lại, thông lệ quốc tế lại có cách tiếp cận từ việc xem xét xem người được đại diện có lỗi hay không. Tức là người này đã có hành vi (hoặc bất hành vi) nào để tạo ra cho thế giới bên ngoài có thể thấy rằng mình đã trao quyền đại diện cho người khác hay không? Nếu có, người này sẽ phải chịu trách nhiệm thực thi hợp đồng.
Thêm vào đó, Điều 146 chỉ áp dụng trong trường hợp vượt quá phạm vi đại diện. Điều 145 BLDS 2005 (không có thẩm quyền đại diện) vẫn quy định một cách cứng nhắc rằng phải được “người được đại diện đồng ý” mà không mở rộng thêm khả năng người được đại diện “biết mà không phản đối” như được quy định tại Điều 146. Cách quy định như thế này tại Điều 145 được hiểu là ngay cả khi người được đại diện “biết mà không phản đối” thì hợp đồng đối với người không có thẩm quyền đại diện vẫn vô hiệu!  
Cuối cùng, BLDS năm 2005 cũng chưa đề cập đến trường hợp một người đại diện trước đó đã có thẩm quyền nhưng nay thẩm quyền này không còn nữa (như quy định tại Điều 112 BLDS Nhật Bản nêu trên).
Trong quá trình xem xét sửa đổi BLDS năm 2005, các nhà làm luật Việt Nam nên sửa đổi, bổ sung các Điều 145 và 146 theo cách tiếp cận của thông lệ thế giới. Nghĩa là nhà làm luật cần buộc người được đại diện phải chịu trách nhiệm cho hành vi trao quyền của mình nếu hành vi này khiến bên thứ ba ngay tình có cơ sở hợp lý để tin rằng người đại diện có đủ thẩm quyền đại diện cho bên được đại diện thay vì buộc bên thứ ba phải chứng minh rằng người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối như được yêu cầu tại Điều 145 và 146 BLDS năm 2005. Như vậy thì việc bảo vệ bên thứ ba ngay tình sẽ hợp lý và phù hợp thông lệ thế giới hơn. Các nhà làm luật Việt Nam có thể tham khảo các Điều 109, 110 và 112 BLDS Nhật Bản nêu trên khi xây dựng các điều luật cho mình./.




[1] Hugh Beale & Arthur Hartkamp et al., Cases, Materials and Text on Contract Law, trang 927 (Hart Publishing Co., 2002).
[2] TATC Nhật Bản, Minshū 11-2-227, ngày 07/02/1957.
[3] TATC Nhật Bản, Minshū 25-4-455, ngày 03/05/1971.
Nguyễn Quốc Vinh, TS. Công ty luật Tilleke & Gibbins; Trọng tài viên VIAC.
Share on Google Plus

About Ước An

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment