Pháp luật online

Vụ Con Ruồi 500 Triệu

BÀI PHÂN TÍCH CHUẨN, NÊN ĐỌC
----
Có tội hay không ?

1. VỀ VẤN ĐỀ BẮT NGƯỜI
Cơ quan điều tra CA Tiền Giang bắt anh VVM trong trường hợp phạm tội quả tang. Và hoàn toàn dựa trên sự tố giác của THP. Bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang là trường hợp bắt một người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc đã thực hiện xong hành vi phạm tội nhưng bị phát hiện ngay sau đó. Hơn nữa, người ta chỉ được bắt người phạm tội quả tang khi hành vi đó là hành vi phạm tội hiển nhiên, thấy rõ. Như vậy, có thể khẳng định ngay rằng THP đã tố giác với cơ quan điều tra với những thông tin không trung thực, không chính xác, cụ thể là THP phải trình báo cho CQĐT rằng chai nước có ruồi là do anh VVM ngụy tạo và từ đó thực hiện hành vi cưỡng đoạt tiền của THP, đồng thời cũng không cung cấp các bản thỏa thuận giữa hai bên. Chứ không lẽ THP nói rằng chai nước đó không biết có ruồi là do anh VVM tạo ra hay không hay do có từ trước đó, rồi trưng cả bản thỏa thuận ra? Bởi nếu như thế thì nghĩa là anh VVM không có dấu hiệu phạm tội dù anh Minh có nhận tiền của THP, nhất là có văn bản thỏa thuận thống nhất của hai bên, và do đó thì CQĐT không thể nào bắt được anh Minh. Cho nên, phải có sự tố giác không trung thực của THP thì hành vi của anh VVM mới trở thành tội phạm quả tang trong con mắt của CQĐT được. Và bởi thế, trong trường hợp này CQĐT đã bắt người vội vàng, chưa chuẩn theo nguyên tắc, do tin tố giác chưa phải là nguồn tin cậy, khách quan, có đúng sự thật hay không. Trong trường hợp này CQĐT phải giám định trước rồi mới bắt hay không bắt thì mới đảm bảo đúng nguyên tắc và đúng pháp luật.

2. VỀ THU THẬP, ĐÁNH GIÁ VÀ GIÁM ĐỊNH TANG VẬT, VẬT CHỨNG
Rõ ràng là chai nước đó đã được anh VVM đem ra để thương lượng với THP nên có thể trong quá trình đó THP yêu cầu anh Minh phải bật nắp, phải khui ra để kiểm tra. Lại nữa, chai nước là do khách của anh Minh phát hiện ra, nên có thể do khách này khi mở ra thì phát hiện có ruồi, hoặc do chính anh Minh thực hiện việc khui cho khách nhưng do tay ướt, trơn do bán quán ăn nhậu nên có thể đã dùng vật sắc nhọn để mở. Nên có thể có những biến đổi nhất định nào đó. Hơn nữa, đến khi cơ quan điều tra thu thập chứng cứ thì có làm đúng quy trình là niêm phong, nêu hiện trạng của chai nước hay không, việc bảo quản có đúng đắn và khách quan không hay có tác động từ người khác trong quá trình lưu giữ tại CQĐT?
Tiếp nữa, Viện KHHS Bộ CA đã có kết luận giám định về chai nước. Và khi nhìn thấy Kết luận giám định đó mà tôi không giám tin đó là biên bản giám định khoa học. Để chính xác thì phải gọi nó là văn bản mô tả về tình trạng của chai nước đem đi giám định. Bởi lẽ, nó nêu ra các thông tin về tình trạng của chai nước cần giám định, nó nêu ra nắp chai bị làm sao, bị tác động bởi ngoại lực, mực nước thấp hơn các chai mẫu và cuối cùng là bên trong chai có các bộ phận con ruồi. Xin thưa, Kết luận giám định phải là kết quả của một phép thực nghiệm của quá trình đối chiếu, so sánh, đánh giá giữa vật cần giám định và vật mẫu để khẳng định hoặc phủ định một vấn đề, tình tiết hoặc nhằm xác định, định lượng một nội dung cụ thể làm căn cứ. Trong khi đó, vấn đề cần giám định là chai nước có ruồi trước hay sau khi anh VVM có chai nước đó, thời gian tồn tại của xác ruồi (dựa vào mật độ, nồng độ chất hóa học ngấm vào xác, dựa vào mức độ phân hủy xác ruồi, dựa vào độ mủn của xác hữu cơ), đó chính là mấu chốt của vấn đề cần giám định để khẳng định rằng hành vi của anh VVM có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không, thì lại không hề được thực hiện hay tồn tại trong kết luận giám định. Vậy là Kết luận giám định (tôi miễn cưỡng đành gọi là vậy) chẳng có ý nghĩa và giá trị pháp lý nào.

3. VỀ BẢN CHẤT MỐI QUAN HỆ PHÁP LÝ
Anh VVM và THP là bên mua và bên bán trong một hợp đồng mua bán hàng hóa, hàng hóa giao dịch là nước ngọt đóng chai của THP. BLDS, LTM, LBVQLNTD, LCLSPHH đều quy định trách nhiệm của bên bán là bảo đảm vật mua bán, và nếu hàng hóa bị lỗi, mất an toàn vệ sinh thì bên bán phải chịu trách nhiệm đổi, sửa chữa, khắc phục đối với hàng hóa đã bán và bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại cho người mua, tương ứng trách nhiệm của bên bán về điều này thì đó là quyền của bên mua. Điều 30, 31, 32 Luật BVQLNTD, Điều 55, 59 Luật Chất lượng SPHH, Điều 605, 630 BLDS đều quy định rằng trong trường hợp phát sinh tranh chấp do hàng hóa bị lỗi thì người mua, người tiêu dùng được quyền thương lượng với nhà sản xuất với mức thương lượng tùy các bên thỏa thuận và phải lập thành văn bản. Ở đây, người mua và nhà sản xuất đã thống nhất rằng hai bên thực hiện một hợp đồng dàn xếp, một hợp đồng trao đổi, theo đó bên bán khắc phục bằng 500 triệu đồng, và bên mua trả lại hàng bị lỗi. Số tiền nhỏ so với các thiệt hại cho bên bán nếu phải thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô hàng nên THP chấp nhận với anh VVM và xác lập thỏa thuận.
Như vậy, trong một cuộc chơi pháp lý này hai bên hoàn toàn công bằng về quyền và nghĩa vụ, và quan trọng là nó hoàn toàn tự nguyện về ý chí. Và có tới 3 lần THP cử 3 đoàn người đi thương lượng một cách chủ động với anh VVM kéo dài trong một khoảng thời gian, nên hoàn toàn không có việc THP bị uy hiếp tinh thần hay phải lo sợ gì.
Lại nữa, THP chính là người chủ động lôi CA vào cuộc, chính THP đưa vụ việc ra báo chí và cho cả xã hội này biết, thì hiển nhiên không có chuyện THP lo sợ hay e ngại việc mà như THP nói rằng THP bị đe dọa, bị uy hiếp bởi hành vi anh VVM sẽ công bố với báo chí rằng chai nước có ruồi, mà thực tế đó lại là một quyền năng của người tiêu dùng theo đúng luật. Hơn nữa, ngược lại, nếu THP cứ để mặc anh VVM công bố ra báo chí thì anh VVM sẽ chịu trách nhiệm về hành vi đó, và THP sẽ có đủ các quyền năng để đối phó dù tin đó là thật hay được ngụy tạo đi nữa. Nên THP có bỏ mặc cho sự việc xảy ra thì cũng chẳng có vấn đề gì xảy ra cho THP cả.

Bởi sự thỏa thuận về một tranh chấp phát sinh trên cơ sở giao dịch trước đó được gọi là hợp đồng điều đình (hay dàn xếp) giữa các bên là được luật định, là vấn đề dân sự hoàn toàn và thuần túy theo đúng bản chất luật định của nó. Thì không có cớ gì để quy tội anh VVM, trừ khi chai nước có ruồi do chính anh Minh ngụy tạo ra.
“Con ruồi vào chai bằng cách nào, tội vẫn thế”
Có quan điểm hoàn toàn trái ngược với nhiều luật sư cho rằng anh Võ Văn Minh vô tội, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) khẳng định như vậy khi trao đổi với Infonet.
Vụ nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều quan điểm, trong đó có nhiều quan điểm của luật sư cho rằng, đây hoàn toàn là thỏa thuận dân sự, không dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường lại có quan điểm hoàn toàn khác. Để cung cấp một cái nhìn đa chiều cho bạn đọc từ khía cạnh luật pháp đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng có những biện pháp phòng ngừa khỏi vướng vào vòng lao lý, tù tội.
Không đồng tình với quan điểm của các luật sư cho rằng, bị hại không thể là pháp nhân khi không có dấu hiệu bị áp lực, Luật sư Đặng Văn Cường đặt câu hỏi: “Bị hại trong vụ án hình sự chỉ có cá nhân hay sao? Từ "người khác" trong Điều 135 BLHS có phải chỉ là thực thể sinh học? Chỉ là một cá nhân hay không?
Luật sư phân tích: “Việc con ruồi hay con gì, có con ruồi hay không không phải là căn cứ cấu thành tội phạm. Việc anh Minh phạm tội là do đã có hành vi trái pháp luật – Hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong đó “con ruồi” chỉ là cái cớ. Nếu anh này báo sự việc có con ruồi trong chai nước cho báo chí, cho doanh nghiệp hoặc báo cho Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để làm rõ nguyên nhân và tìm cách khắc phục vì mục đích tốt cho sức khỏe của cá nhân, sức khỏe của cộng đồng thì hành vi này đáng phải khen thưởng, biểu dương.
Nếu “con ruồi” đó là có thật trong chai nước, việc Công ty có sản phẩm lỗi như vậy gây thiệt hại tới sức khỏe, tài sản của khách hàng thì khách hàng có quyền yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại. Thủ tục yêu cầu là thương lượng, trung gian hòa giải hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong quá trình thực hiện thủ tục trên thì phải trên cơ sở “tự nguyện”, tự do thương lượng… Thiệt hại mà công ty phải bồi thường là mức thiệt hại thực tế phát sinh trên cơ sở chứng cứ mà người bị hại cung cấp. Nếu anh Minh lựa chọn cách ứng xử đó thì phù hợp với pháp luật và pháp luật khuyến khích, pháp luật bảo vệ.
Ngược lại, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều ngành luật cùng bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản như luật dân sự, luật hình sự. Pháp luật quy định cá nhân, tổ chức tự do thỏa thuận về tài sản trên cơ sở pháp luật. Pháp luật thừa nhận các căn cứ để xác lập quyền sở hữu tài sản một cách hợp pháp. Ngoài ra, pháp luật cũng ngăn cấm việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản một cách trái pháp luật. Hành vi gian dối, nén nút, công nhiên hoặc uy hiếp tinh thần… của người khác nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này, sang chủ thể khác (không tự do ý chí, không tự nguyện trong giao dịch..) là những hành vi trái pháp luật. Giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu do lừa dối, đe dọa… Nếu hành vi lừa dối đến mức là gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc cưỡng bức, uy hiếp người khác để chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội và có thể xử lý bằng luật hình sự. Ví như đi đòi nợ, mục đích đòi lại tài sản của mình có thể là chính đáng nhưng nếu đòi nợ bằng cách uy hiếp, đánh đập con nợ để đòi tiền thì pháp luật lại ngăn cấm. Hành vi như vậy sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản. Cái sự vi phạm ở đây không phải là mục đích mà là phương pháp, pháp luật quy định phương pháp đòi nợ, đòi tiền trong quan hệ dân sự là thương lượng hoặc khởi kiện vụ án dân sự. Hành vi “tự xử” như vậy là hành vi trái pháp luật.
Trong vụ việc này, rõ ràng anh Minh không lựa chọn hành vi ứng xử theo quy định pháp luật mà lại có hành vi mang tính uy hiếp tới doanh nghiệp và ban lãnh đạo doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản (nếu không đưa tiền thì doanh nghiệp sẽ bị thế này, sẽ thế khác, sẽ bị thiệt hại…). Nếu công không đồng ý thì anh này đe dọa sẽ “thưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công ty”. Như vậy, hành vi này là thủ đoạn uy hiếp tinh thần của ban lãnh đạo công ty THP nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty này. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.
Điều 135 BLHS quy định: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ… ”. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tội cưỡng đoạt tài sản có cấu thành hình thức. Chỉ cần người nào có hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực” hoặc “có thủ đoạn khác” để “uy hiếp tinh thần” của người khác với mục đích là “nhằm chiếm đoạt tài sản” (lấy tài sản của người khác bất chấp sự không mong muốn của họ) thì đủ căn cứ để xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản. Theo quy định của điều luật này thì chỉ cần có hành vi mang tính uy hiếp tinh thần (đe dọa nếu họ không đưa tài sản cho người uy hiếp thì họ sẽ gặp bất lợi, thiệt hại trong tương lai…) chưa cần người bị uy hiếp tinh thần có sợ hay không, có lâm vào tình trạng không thể chống cự được hay không; Mục đích của việc uy hiếp tinh thần đó phải là mục đích chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt ở đây phải hiểu là biến tài sản của người bị hại thành tài sản của mình thông qua hành vi uy hiếp, đe dọa; Hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội nên pháp luât hiện hành quy định mức tiền cũng không quy định là phải từ 2 triệu đồng trở lên. Chỉ cần có những hành vi như vậy là đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Rõ ràng đây không phải là yêu cầu bồi thường thiệt hại, cũng không thể hiện nội dung là yêu cầu bồi thường về những thiệt hại đã xảy ra với anh Minh. Về nguyên tắc của việc bồi thường thiệt hại thì cũng chỉ bồi thường những thiệt hại thực tế xảy ra, có chứng từ. Nếu lúc đầu anh Minh thống kê những thiệt hại của mình và yêu cầu công ty phải bồi thường những thiệt hại đó (không có tính chất đe dọa). Nếu công ty không bồi thường theo đúng yêu cầu thì anh này khởi kiện đến tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì hành vi này là phù hợp với quy định pháp luật và pháp luật cho phép, khuyến khích, bảo đảm và bảo vệ. Vụ việc này, rõ ràng là không phải là tranh chấp hoặc thỏa thuận về bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự

Hành vi này, sự việc này cũng không phải là giao dịch dân sự, không phải là quan hệ dân sự: Trong quan hệ dân sự có hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản… Một tài sản phải có ba quyền năng là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Dù gì thì “con ruồi” này cũng không thể gọi là “tài sản” để mang ra giao dịch dân sự, cũng không phải là tác phẩm nghệ thuật… Mọi việc tác động vào ý chí của chủ sở hữu, làm chủ sở hữu định đoạt tài sản không phụ thuộc vào ý chí của mình đều là hành vi trái pháp luật, làm cho giao dịch dân sự vô hiệu, nếu đến một mức độ nhất định thì sẽ nguy hiểm cho xã hội và lúc đó chuyển hóa thành quan hệ pháp luật dân sự sang quan hệ pháp luật hình sự. Còn trong vụ "con ruồi" này thì chưa thể nói là có quan hệ pháp luật dân sự. Không có việc chuyển hóa từ quan hệ dân sự (mua bán, trao đổi...) sang quan hệ pháp luật hình sự mà ngay từ đầu đã có dấu hiệu hình sự... Quan hệ giữa anh Minh và Công ty này không phải là quan hệ dân sự, không phải là hợp đồng mua bán tài sản hoặc trao đổi tài sản. Kể cả trường hợp trong giao dịch dân sự mà có sử dụng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của đối tác để bắt buộc thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này cũng vi phạm pháp luật. Vấn đề ở đây là một bên lại sử dụng phương pháp “đàm phán” trái pháp luật để triệt tiêu ý chí, khống chế tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản hành vi này, thủ đoạn này mới nên tội…”
Luật sư Cường phân tích thêm: “Bản thân từ "cưỡng" trong "tội cưỡng đoạn tài sản" cũng đã thể hiện là có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách cưỡng bức, buộc người khác phải giao tài sản của họ cho mình trái với ý muốn của họ, xâm phạm tới quyền tự do ý chí, quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu tài sản...
Đành rằng là nhiều người thì nhiều quan điểm. Nhưng quan điểm đúng phải là quan điểm dựa trên cơ sở lý luận vững chắc, phải căn cứ vào quy định pháp luật. Với pháp luật hình sự thì không thể “đùa” được. Nếu quan điểm của người tư vấn sai, không dựa trên cơ sở khoa học, không có cơ sở lý luận vững chắc thì sẽ làm hại cho người phạm tội và nhân thân người phạm tội. Người tư vấn, bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự không những không giúp ích cho bị cáo, gia đình bị cáo mà còn có thể làm cho bị cáo tưởng là mình “oan thật” làm cho gia đình bị cáo bức xúc với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng… gây mất ổn định chính trị. Sau khi vụ án khép lại thì bị cáo không phục bản án đã tuyên (do không hiểu) nên việc cải tạo, giáo dục bị cáo có thể sẽ không mang lại tác dụng, sẽ làm tha hóa phạm nhân.., còn gia đình bị cáo thì đi kêu oan, biến mình thành “dân oan”… gây thiệt hại tới sức khỏe, tài sản, hạnh phúc gia đình bị cáo và làm mất ổn định trật tự xã hội, làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền.
Ngoài ra, những người khác thì tưởng rằng cứ thấy sản phẩm lỗi của doanh nghiệp là có quyền yêu cầu trả tiền bằng cách đe dọa, uy hiếp… mà không sao cả. Nếu có bị bắt thì chỉ là bắt oan. Theo đó, sẽ có nhiều người đi theo vết xe đổ của Minh, hệ lụy khôn lường.
Tội cưỡng đoạt tài sản là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự. Tội danh này được tòa án các địa phương xét xử rất phổ biến, hàng năm có cả trăm, ngàn vụ án xét xử các bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản. Dấu hiệu đặc thù của tội này là yếu tố đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người bị hại: “đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”. Chỉ cần có “hành vi” mà “mục đích” như vậy (thỏa mãn dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm) là cấu thành tội phạm theo tội danh này. Việc nguyên nhân, lý do để đe dọa, uy hiếp tinh thần là gì không phải là căn cứ kết tội, không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm. Vì vậy, trong câu chuyện này trong chai nước là “con ruồi” hay con gì, có ruồi hay không đều không quan trọng, không phải là căn cứ để xác định quan hệ pháp luật.”.

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, dù kết quả giám định thế nào không thay đổi tội danh: “Nếu bị can "làm giả" con ruồi để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp cũng khó mà chuyển tội danh sang tội lừa đảo quy định tại Điều 139 BLHS. Hướng này thì kể cả cơ quan tố tụng và người bào chữa đều sẽ không hướng tới. Nếu bị can tự cho ruồi vào chai nước rồi "vu" cho doanh nghiệp để "đòi" tiền vẫn là dấu hiệu của tội cưỡng chứ không phải tội lừa đảo!!!”
Luật sư Cường chứng minh như sau: “Theo Điều 135 BLHS (cưỡng đoạt tài sản) không chỉ là "đe doạ sẽ dùng vũ lực" mà còn " hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản " cũng có thể cấu thành tội. Hành vi, thủ đoạn ở đây có thể là gian dối, hoặc gì gì đó để "uy hiếp tinh thần" nhằm chiếm đoạt tài sản. Đó là dấu hiệu đặc thù của tội danh này. Đối với tội lừa đảo theo Điều 139 BLHS thì cũng thể hiện là "gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản" nhưng ở tội danh này người mất tài sản bị hiểu lầm, hiểu sai mà giao tài sản cho người phạm tội chứ không phải là "bị uy hiếp" mà miễn cưỡng phải giao. Ở tội theo Điều 135 BLHS này biết là mất tài sản rồi nhưng vẫn phải giao để tránh một hậu quả bất lợi.... Còn ở tội lừa đảo theo Điều 139 BLHS thì việc giao tài sản cho người phạm tội vì hiểu lầm, tưởng rằng giao tài sản cho người đó sẽ không mất, ngược lại còn có thể được lợi... Đó là khác nhau cơ bản của hai tội danh này. Vì vậy việc con ruồi là "thật hay giả" không phải là căn cứ để xác định tội danh trong chuyện này. Không phải là một giao dịch mua bán thực, không ai mua con ruồi với giá 500 triệu đồng nên không bao giờ xử vào tội lừa đảo với những tình huống tương tự thế này....?”
Từ những phân tích trên, Luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo người tiêu dùng gặp những vấn đề về sản phẩm lỗi, hỏng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nên khiếu nại lên các cơ quan chức năng, báo chí, các cơ quan có thẩm quyền hoặc nhờ tư vấn của luật sư. Người tiêu dùng không nên tự ý hành động, chỉ cần trong lời nói, hành vi có một từ hoặc một chi tiết đòi hỏi bao nhiêu tiền (dù số tiền nhỏ) kèm theo là những câu nói có tính chất đe dọa, uy hiếp doanh nghiệp thì hậu quả pháp lý sẽ không hề đơn giản.
Share on Google Plus

About Ước An

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment