Pháp luật online

Thu thập chứng cứ trong Tố tụng hình sự



Như chúng ta đều biết, quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự là quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Trong đó thu thập chứng cứ là giai đoạn đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự.
     Nếu không có thu thập chứng cứ, thì cũng không có kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Điều đó lý giải tại sao vấn đề chứng cứ nói chung và vấn đề thu thập chứng cứ nói riêng luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập pháp mỗi nước khi xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).  
     Phát hiện, thu thập chứng cứ là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tìm ra và thu giữ những sự kiện chứng minh hoặc những nguồn chứng cứ theo đúng trình tự, thủ tục luật định, để từ đó khai thác những sự kiện chứng minh. Xét trên góc độ thông tin, thì phát hiện, thu thập chứng cứ là quá trình thu thập thông tin để làm căn cứ xác định sự thật của vụ án. Phát hiện, thu thập chứng cứ vừa là hoạt động mang tính khoa học, vừa mang tính pháp lý nên quá trình phát hiện, thu thập chứng cứ vừa phải quán triệt những nguyên tắc, quy luật của nhận thức, vừa phải bảo đảm tính pháp lý, hay nói cách khác là phải khách quan và phải tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục của BLTTHS. Trong đó quy định rõ những người có thẩm quyền thu thập chứng cứ, thủ tục thu thập chứng cứ, cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự trong việc thu thập chứng cứ.
Thẩm quyền thu thập chứng cứ:
Theo quy định của BLTTHS năm 2003, thì những người sau đây có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ:
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (VKS) các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp. Theo BLTTHS năm 2003, thì đây là những người có thẩm quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp như: Ra lệnh khám xét, phê chuẩn lệnh khám xét, ra quyết định trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi, triệu tập người tham gia tố tụng để hỏi cung, lấy lời khai, đối chất,...
Người trực tiếp thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ là Điều tra viên,Kiểm sát viên (KSV), Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa, cán bộ giám định, người được mời tham gia khám nghiệm. Ngoài những người trên, những người trong các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như những người trong cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy,…cũng được quyền thực hiện một số biện pháp thu thập chứng cứ. Người tiếp nhận các đối tượng bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang truy nã. Điều 82 BLTTHS quy định người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã được giải đến Cơ quan Công an, VKS hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, các cơ quan này phải lập biên bản. Biên bản do những cơ quan này lập mà có ghi nhận những thông tin ban đầu về tội phạm, thì chúng sẽ trở thành chứng cứ. Như vậy xét về góc độ chứng minh tội phạm, thì những người được luật pháp giao trách nhiệm lập biên bản bắt nêu trên là các chủ thể có quyền và nghĩa vụ thu thập chứng cứ.
Cần phân biệt với chủ thể có trách nhiệm chứng minh và người có quyền xuất trình chứng cứ, chủ thể có trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự có quyền áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ. Nhưng người có quyền và trách nhiệm thu thập chứng cứ có khi không phải là chủ thể chứng minh trong tố tụng hình sự như những người được luật giao trách nhiệm lập biên bản trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang, bắt người truy nã. Khác với hai loại chủ thể trên, những người tham gia tố tụng khác như người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,…cũng được quyền cung cấp tài liệu, xuất trình chứng cứ nhưng không có trách nhiệm phải chứng minh tội phạm, cũng không có trách nhiệm thu thập chứng cứ.
Theo quy định tại Điều 58 BLTTHS thì người bào chữa có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; Đưa ra đồ vật, tài liệu, yêu cầu; Tham gia hỏi tại phiên tòa. Điều 59 BLTTHS quy định người bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự cũng có quyền đưa ra đồ vật tài liệu, yêu cầu, tham gia hỏi tại phiên tòa, đây cũng được coi là các biện pháp cung cấp, xuất trình chứng cứ.
Trình tự, thủ tục và các biện pháp thu thập chứng cứ:
Mỗi một biện pháp thu thập chứng cứ có những điểm đặc thù riêng nên trình tự, thủ tục không giống nhau. Tuy nhiên thủ tục của tất cả các biện pháp thu thập chứng cứ đều có những nội dung, trình tự đó là: thủ tục ra văn bản áp dụng; thủ tục tiến hành thu thập chứng cứ; thủ tục lập biên bản.
Về thủ tục phải tuân theo khi tiến hành áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ đã được luật quy định cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng biện pháp. Từ những quy định của BLTTHS có thể rút ra các thủ tục chủ yếu được áp dụng hầu hết trong các biện pháp là:
+ Thủ tục giải thích quyền và nghĩa vụ cho đối tượng bị áp dụng: Thủ tục này được áp dụng trong các biện pháp hỏi cung; lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại; khi tiến hành đối chất, nhận dạng, khám người, khám nơi làm việc, khám chỗ ở, địa điểm.
+ Thủ tục chứng kiến: Theo quy định của BLTTHS năm 2003 trong một số hoạt động tố tụng hình sự phải có sự chứng kiến của người láng giềng, của đại diện chính quyền cấp cơ sở, đại diện cơ quan, tổ chức. Thủ tục này nhằm bảo đảm cho các hoạt động tố tụng được tiến hành đúng luật, khách quan, vô tư; bảo đảm giá trị chứng minh của các tài liệu chứng cứ thu thập được. Thành phần người chứng kiến trong các hoạt động tố tụng được quy định không giống nhau cụ thể:
Biện pháp khám người, khám xét dấu vết trên thân thể bị can, bị hại, nhân chứng khám nghiệm hiện trường, khám nghiện tử thi, thực nghiệm điều tra, nhận dạng thì người chứng kiến là bất kỳ ai và chỉ cần một người (riêng biện pháp khám người, khám xét dấu vết trên thân thể, thì phải là người cùng giới).
Biện pháp khám chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm đòi hỏi phải có người láng giềng, đại diện chính quyền địa phương (nơi làm việc thì đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc) chứng kiến. Trường hợp vắng chủ nhà thì phải có hai người chứng kiến.
Biện pháp thu giữ thư tín, điện tín bưu phẩm tại bưu điện thì phải có sự chứng kiến của đại diện cơ quan bưu điện.
+ Thủ tục thông báo cho VKS: được áp dụng trong trường hợp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, theo quy định tại Điều 150, 151 BLTTHS thì trước khi tiến hành phải thông báo cho VKS cùng cấp để VKS cử KSV tham gia kiểm sát các hoạt động này, trong mọi trường hợp đều phải có KSV tham gia. Điều 144 BLTTHS quy định trường hợp thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện phải có sự phê chuẩn trước của VKS cùng cấp trước khi thi hành, trong trường hợp khẩn cấp thì không cần phê chuẩn của VKS, nhưng sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho VKS cùng cấp.
+ Thủ tục lập biên bản: Điều 95 BLTTHS quy định khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất. Trong trường hợp tạm giữ đồ vật, tài liệu thì ngoài biên bản khám xét phải lập biên bản về việc tạm giữ đồ vật, tài liệu. Biên bản này được lập 4 bản một bản được giao cho chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản được gửi cho VKS cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.
+ Thủ tục ra văn bản áp dụng: Đối với một số biện pháp thu thập chứng cứ luật đòi hỏi thủ tục ra văn bản áp dụng đối với một số trường hợp như biện pháp khám xét: Khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm (Điều 141, Điều 142 và Điều 143 BLTTHS), thì khi khám xét phải có lệnh của người có thẩm quyền, khám xét trong thủ tục bình thường thì phải có sự phê chuẩn của VKS cùng cấp trước khi thi hành, trong trường hợp khẩn cấp thì không cần sự phê chuẩn của VKS, nhưng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp. Đối với trường hợp trưng cầu giám định và trường hợp cần phải khai quật tử thi để khám nghiệm, thì cũng phải ra quyết định bằng văn bản trước khi thi hành. Các trường hợp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi chưa chôn cất, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra pháp luật thực định không quy định phải có quyết định.
 Ngoài các thủ tục trên còn phải tuân thủ những thủ tục khác như: Không được hỏi cung vào ban đêm (trừ khi không thể trì hoãn); thủ tục tách riêng từng người hỏi cung, lấy lời khai, thủ tục tham dự của người đại diện trong trường hợp người làm chứng dưới 16 tuổi; Thủ tục tham gia tố tụng của người giám hộ trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên…
Củng cố chứng cứ:
Để thu thập chứng cứ một cách hiệu quả, thì trong khi thu thập chứng cứ phải đồng thời củng cố chứng cứ. Củng cố chứng cứ là những phương pháp, cách thức làm cho chứng cứ, tài liệu thu thập được bảo đảm giá trị chứng minh. Nói cách khác, củng cố chứng cứ là làm cho chứng cứ, tài liệu bảo đảm ba thuộc tính đó là tính hợp pháp, tính xác thực và tính liên quan đến vụ án. Cách thức, phương pháp thu thập và trình tự thu thập chứng cứ có ảnh hưởng trực tiếp tới độ tin cậy và giá trị chứng minh của chứng cứ. Thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ cho thấy có ba trường hợp cần đặc biệt chú ý là khi thu giữ vật chứng, dấu vết và khi ghi lại một sự việc.
- Thứ nhất: Đối với dấu vết, khi thu thập phải ghi rõ trong biên bản các nội dung: Dấu vết thu thập là dấu vết gì, vị trí của dấu vết, đặc điểm về màu sắc, chiều hướng, độ cũ, mới của dấu vết. Phải trả lời được những câu hỏi như dấu vết gì? Đặc điểm ra sao? Chiều hướng thế nào? Vị trí ở đâu?
+ Về tên của dấu vết cần ghi rõ đó là dấu vết gì: Vân tay, vết máu, vết cày, vết cạy phá, dấu chân, dấu tay,…Trường hợp khó đặt tên ngắn gọn thì mô tả cụ thể nhưng phải phản ánh được nội dung chủ yếu, cơ bản.
+ Về đặc điểm của dấu vết. Cần mô tả các nội dung hình dáng, kích thước, màu sắc và các đặc điểm khác của dấu vết. Ví dụ trong vụ án tai nạn giao thông, khi Điều tra viên khám nghiệm ghi biên bản phải mô tả đầy đủ các dấu vết trên xe, trên mặt đường, chiều hướng của từng dấu vết, từ trái qua phải hay từ phải qua trái; kích thước của dấu vết, độ dài của dấu vết và vị trí từng dấu vết; để sau này phục vụ tốt cho công tác giám định làm rõ nguyên nhân tai nạn,…
+ Về vị trí của dấu vết, khi mô tả phải xác định các điểm chuẩn xung quanh và trên cơ sở đó mô tả khoảng cách của dấu vết so với các điểm chuẩn theo các hướng và so với các dấu vết khác để từ đó có thể xác định mối liên hệ giữa các dấu vết.
- Thứ hai: Đối với vật chứng
Khi thu thập phải ghi cụ thể trong biên bản các nội dung sau:
+ Vật gì, tên của vật được gọi là gì. Ví dụ con dao, khẩu súng, hay công cụ phương tiện khác, nếu là mô tô xe máy, thì phải ghi rõ biển số, số khung, số máy,…Trường hợp vật chứng không phải là vật thông dụng, khó đặt tên, thì có thể đặt tên dạng mô tả hình dạng, kích thước, màu sắc,...
+ Đặc điểm của vật, tùy từng loại vật mà có cách mô tả cụ thể, nhưng nhìn chung phải thể hiện được các nội dung: Số lượng, chất lượng, trọng lượng, khối lượng, hình dạng kích thước, màu sắc, mùi vị, tính nguyên vẹn và trạng thái mới, cũ của vật. (ví dụ thu giữ ba con dao tại hiện trường, kích thước về độ dài, độ rộng, phần cán, phần lưỡi của từng con dao, dấu vết để lại trên từng con dao.)
+ Những dấu vết của tội phạm để lại trên vật chứng.
Trường hợp trên vật chứng có dấu vết thì phải mô tả dấu vết theo nội dung củng cố dấu vết đã nêu trên. Phải mô tả từng dấu vết, kích thước của dấu vết, màu sắc của dấu vết, chiều hướng của dấu vết,…..
+ Nơi tìm thấy vật: Nơi tìm thấy vật và cách thức giấu vật liên quan chặt chẽ tới giá trị chứng minh của chứng cứ, giá trị pháp lý của chứng cứ, làm nảy sinh căn cứ pháp lý để tiến hành các hoạt động tố tụng khác. Ví dụ: thu giữ dấu vết vật chứng trên người hoặc nơi ở của đối tượng, thì có thể tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng được (Điểm c Khoản 1 Điều 81 BLTTHS), còn thu giữ ở nơi khác, thì căn cứ vào việc thu giữ vật chứng không bắt khẩn cấp đối tượng được.
- Thứ ba: Đối với sự việc, khi cần ghi lại trong biên bản một sự việc cụ thể nào đó, cần phải ghi đầy đủ các nội dung sau:
+ Tên sự việc là gì, vụ chết người, tai nạn giao thông hay vụ cháy, nổ. Việc đặt tên cần phải ngắn gọn, khái quát và phản ánh được nội dung chủ yếu, cơ bản của việc đó.
+ Thời gian xảy ra: Thời gian xảy ra ở đây là thời điểm bắt đầu xảy ra sự việc. Việc ghi nhận thời gian càng chính xác càng tốt. Nếu không biết chính xác, thì cách ghi không được viết theo kiểu khẳng định.
+ Địa điểm xảy ra sự việc: Việc ghi địa điểm xảy ra vụ việc phải cụ thể, vì nếu không ghi sẽ không xác định được thẩm quyền giải quyết vụ việc theo lãnh thổ, bên cạnh đó việc ghi rõ địa điểm sẽ giúp cho quá trình nghiên cứu dễ hình dung quá trình diễn biến của sự việc.
+ Diễn biến của sự việc: Cần phải mô tả đầy đủ và khái quát quá trình diễn biến của sự việc. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng không dễ thực hiện, đòi hỏi người thu thập chứng cứ phải có đầu óc phân tích, tổng hợp đến ghi diễn biến vụ việc theo thời gian, hay diễn biến vụ việc theo sự kiện, hoặc diễn biến vụ việc theo chủ thể thực hiện,…
+ Hậu quả thiệt hại: Nếu đã xảy ra hậu quả phải ghi rõ thiệt hại về cái gì số lượng, chủng loại, tính chất, mức độ thiệt hại. Hậu quả ở đây không hoàn toàn cùng nghĩa với hậu quả trong cấu thành tội phạm, thông thường đây là những thiệt hại đã xảy ra có thể nhận biết bằng giác quan. Ví dụ: hậu quả là một người chết, ba người bị thương, chứ không xác định được ba người bị thương, mỗi người bao nhiêu phần trăm, việc xác định phần trăm thương tích phải do cơ quan giám định kết luận.
+ Nguyên nhân xảy ra sự việc: Trong thu thập chứng cứ chỉ ghi nguyên nhân trực tiếp, cụ thể đã được xác định chắc chắn, không được nêu ra những nguyên nhân gián tiếp hoặc trừu tượng. Trong trường hợp chưa xác định được thì phải ghi chưa kết luận được nguyên nhân hoặc chưa rõ nguyên nhân.
+ Người biết việc: Trong biên bản chỉ cần ghi lời khai vài ba người biết việc, không nhất thiết phải ghi lời khai của tất cả những người biết việc, nhưng cần thiết phải ghi lại họ tên, địa chỉ của tất cả những người biết việc để có thể tiếp tục củng cố chứng cứ nếu có phát sinh mâu thuẫn trong qúa trình thu thập ban đầu. Khi ghi lời khai của nhân chứng phải ghi rõ lý do họ biết được việc đó và cũng cần chọn lọc ghi lời khai của những nhân chứng trực tiếp chứng kiến vụ việc, nếu không có nhân chứng trực tiếp hoặc có ít nhân chứng trực tiếp thì ghi thêm lời khai của các nhân chứng gián tiếp.
Một số hạn chế và giải pháp hoàn thiện:
BLTTHS năm 2003 đã quy định tương đối cụ thể về thu thập chứng cứ, đã tạo cơ sở cho hoạt động thu thập chứng cứ được tiến hành một cách chặt chẽ, khách quan và đạt hiệu quả có nhiều tiến bộ hơn so với BLTTHS năm 1988, tuy nhiên cũng cần phải có một số sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay đó là:
Một là: Về việc ra văn bản áp dụng, hoạt động khám nghiệm tử thi theo BLTTHS năm 2003, thì không phải ra quyết định tiến hành là chưa hợp lý. Bởi vì các hoạt động này mang tính chất rất quan trọng, nó liên quan tới quyền và nghĩa vụ của cá nhân và cơ quan hữu quan nên, nếu không có quyết định của người có thẩm quyền, thì sẽ khó khăn lúng túng trong quá trình tiến hành. Trong thực tiễn nhiều trường hợp cần phải khám nghiệm tử thi để phục vụ cho công tác điều tra, nhưng do nhiều lý do mà gia đình nạn nhân không chấp hành, nên xảy ra sự chống đối, trong trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành, gây khó khăn trong quá trình điều tra xử lý vụ án. Ngoài ra cũng có quan điểm cho rằng việc giải phẫu tử thi không thông qua quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi xâm phạm thi thể hài cốt một cách trái pháp luật. Do vậy cần quy định trước khi trưng cầu giám định pháp y, Cơ quan điều tra phải ra quyết định giải phẫu tử thi để tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan giám định tiến hành giải phẫu tử thi một cách hợp pháp và tránh việc chống đối của người nhà nạn nhân.
Hai là: Về thủ tục khám xét, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện theo thủ tục bình thường, phải có sự phê chuẩn trước của VKS cùng cấp trước khi thi hành, nhưng khi thi hành lại không có sự kiểm sát của VKS cũng là chưa hợp lý. Hoạt động thu thập chứng cứ này cũng rất quan trọng giống như hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu giữ vật chứng của vụ án và phải tuân theo một trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ quy định tại chương XII BLTTHS nên cần quy định khi khám xét, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện theo thủ tục có sự phê chuẩn của VKS, thì phải có KSV kiểm sát các hoạt động trên.
Ba là: Điểm a Khoản 2 Điều 58 BLTTHS năm 2003 quy định người bào chữa có quyền có mặt khi khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý, thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can. Theo tác giả việc quy định người bào chữa chỉ được hỏi khi được Điều tra viên đồng ý là chưa hợp lý, nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Trong khi VKS có quyền gặp, hỏi người bị bắt, triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập lấy lời khai người làm chứng, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Khoản 1 Điều 81, Khoản 1 Điều 37 BLTTHS) thì người bào chữa lại chỉ được hỏi người bị tạm giữ, bị can khi được Điều tra viên cho phép, điều này làm hạn chế quyền bào chữa của họ. Trên thực tiễn, không phải Điều tra viên nào cũng có thể hỏi để làm rõ được tất cả những vấn đề liên quan đến vụ án, mà họ thường thiên về chứng cứ buộc tội. Vì vậy, việc cho phép người bào chữa hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can sẽ là cơ hội để vụ án được làm rõ một cách toàn diện cả về chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội. Đó cũng là cơ hội để KSV có cái nhìn toàn diện hơn về bản chất của vụ án từ đó đưa ra quyết định truy tố được chính xác, khách quan. Vì vậy, trong lần sửa đổi BLTTHS tới đây, thì cần mở rộng quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố như quyền được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; quyền được yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập lời khai của người làm chứng, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc yêu cầu thu thập các vật chứng mà người bào chữa cho rằng chúng có giá trị chứng minh trong vụ án. Nếu Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu này thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Chỉ có như vậy mới từng bước tạo ra cơ hội bình đẳng giữa chủ thể thực hiện chức năng buộc tội (VKS) với chủ thể thực hiện chức năng gỡ tội (người bào chữa) góp phần tăng cường tính tranh tụng trong tố tụng hình sự.
Tóm lại: Vấn đề thu thập chứng cứ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lý luận trong xây dựng BLTTHS và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động điều tra tội phạm. Việc xây dựng được bộ khung pháp lý chặt chẽ về thu thập chứng cứ tạo điều kiện cho quá trình thu thập chứng cứ trên thực tiễn được tiến hành thuận lợi, bảo đảm cho quá trình chứng minh tội phạm được nhanh chóng, khách quan góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó cán bộ làm công tác thực tiễn hiểu vấn đề này một cách sâu sắc sẽ áp dụng pháp luật vào thực tiễn một cách chính xác, bảo đảm cho quá trình thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm theo đúng trình tự thủ tục của luật định, bảo đảm giá trị thực tiễn và giá trị pháp lý của chứng cứ thu thập được trong quá trình chứng minh tội phạm./.

Share on Google Plus

About Ước An

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

2 comments:

  1. app iura ứng dụng giải quyết thắc mắc cho luật dành riêng cho điện thoại di động
    tải ngay ứng dụng https://iura.vn/tai-ung-dung/để được trải nghiệm

    ReplyDelete
  2. Barrisol Việt Nam cung cấp các sản phẩm vách xuyên sáng,trần nhà 3D,nhằm tạo ra những trần nhà đẹp

    ReplyDelete