Pháp luật online

Vấn đề chứng cứ trong tố tụng hình sự


Chứng cứ là một trong những chế định quan trọng trong Luật tố tụng hình sự. Chế định này vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn cao. Để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xác định sự việc phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội là quá trình đã xảy ra trong quá khứ, muốn hình dung, tái hiện được diễn biến của nó cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào chứng cứ của vụ án. Xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Khoản 1, Điều 64 BLTTHS quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.”

Theo quy định trên thì trong tố tụng hình sự, một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính sau:

Những thông tin, tài liệu đó phải có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án đã xảy ra (tính khách quan).
Những thông tin, tài liệu này phải là cơ sở để xác định sự tồn tại hay không tồn tại của những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 63 BLTTHS và những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự (tính liên quan).
Những thông tin, tài liệu phải được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật và phải được xác định bằng các loại phương tiện chứng minh được quy định tại khoản 2 Điều 64 BLTTHS. Đó là vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bị bắt, người bị tạm giữ; bị can, bị cáo; kết luận giám định; Biên bản về các hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án (tính hợp pháp).
Trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án khi giải quyết vụ án hình sự cần xác minh những sự việc có liên quan đến tội phạm đang được tiến hành xem xét. Để giải quyết vụ án, cần phải khẳng định được rằng tội phạm đã xảy ra, xác định được người cụ thể đã thực hiện tội phạm và họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đã thực hiện. Tất cả các sự kiện và tình tiết của vụ án phải phù hợp với hiện thực khách quan. Để làm được điều đó, cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào chứng cứ. Thông qua chứng cứ, kiểm sát viên thực hành quyền công tố trước toà án đưa ra lời buộc tội đối với bị cáo, còn người bào chữa và thân chủ của họ có thể bác bỏ lời buộc tội hoặc đưa ra những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.

Việc nghiên cứu, xác định các sự kiện, tình tiết của vụ án được tiến hành trên cơ sở của các chứng cứ và chỉ bằng cách dựa vào các chứng cứ mới làm sáng tỏ được những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự. Thông qua việc phát hiện chứng cứ, xem xét và ghi nhận chứng cứ về mặt tố tụng, kiểm tra tính xác thực của chứng cứ, đánh giá chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng có thể nghiên cứu đầy đủ và toàn diện các tình tiết của vụ án, xác định sự phù hợp của chúng với hiện thực từ đó tìm ra chân lý khách quan. Để làm được điều đó, trước hết, chứng cứ phải được thu thập phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Hiện nay, trong tố tụng hình sự chưa có một khái niệm cụ thể nào về thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, thông qua các điều luật có liên quan khác, chúng tôi cho rằng thu thập chứng cứ là một giai đoạn của quá trình chứng minh. Đó là việc thu nhận các dữ liệu thực tế có chứa nguồn chứng cứ do BLTTHS quy định. Chứng cứ phải được thu thập bởi cơ quan tiến hành tố tụng mà cụ thể là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và phải tuân theo trình tự nhất định do BLTTHS quy định. Điều 65 BLTTHS đã quy định rõ những cơ quan có quyền thu thập chứng cứ và phương thức thu thập chứng cứ. Trên cơ sở các quy định của BLTTHS, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án đã thu thập chứng cứ bằng cách:

Triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những tài liệu, đồ vật; trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
Qua thực tiễn thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và cơ quan tiến hành tố tụng trong một số vụ án được dư luận quan tâm nói riêng, chúng tôi nhận thấy việc thu thập chứng cứ còn nhiều bất cập dẫn tới sai lầm khi đánh giá và sử dụng chứng cứ.

Điều 75 BLTTHS năm 2003 quy định cụ thể về vấn đề thu thập và bảo quản vật chứng. Theo đó, vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ, không ít người tiến hành tố tụng do bất cẩn đã làm mất mát, hư hỏng thậm chí họ cố tình đánh tráo, cất giấu hoặc huỷ hoại những vật chứng quan trọng nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật vụ án, không ít trường hợp đã kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm.

Ngoài việc thu thập chứng cứ là vật chứng, việc thu thập lời khai của người bị tạm giữ, tạm giam, của bị can, bị cáo và những người khác biết về những tình tiết liên quan đến vụ án cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để những lời khai báo của họ thực sự có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự thì yếu tố hàng đầu đó là: những lời khai này phải được thu thập hợp pháp.

Như chúng ta đã biết, lời khai nhận tội của bị can không phải lúc nào cũng trở thành chứng cứ. Nó chỉ là chứng cứ khi được thu thập hợp pháp, phản ánh đúng sự việc khách quan và phù hợp với các chứng cứ khác vụ án. Bởi lẽ, không ít trường hợp bị cáo khai nhận tội là nhằm che giấu một tội phạm khác, nhận thay tội cho người khác hay để được hưởng chính sách hình sự của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Thực tiễn xét xử cho thấy, có không ít điều tra viên đã coi lời khai nhận tội của bị cáo là chứng cứ tốt nhất, là “vua của các chứng cứ” để kết tội bị cáo. Đây được coi là chứng cứ hoàn thiện khi nó có đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ và đặc biệt là phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Vì vậy, “khi có những chứng cứ hoàn thiện thì coi như là chắc chắn có tội; có những chứng cứ không hoàn thiện (thiếu một trong các thuộc tính của chứng cứ) thì chỉ coi như là tình nghi đối với người bị điều tra, truy tố, xét xử”. Trên thực tế, có những chứng cứ tuy có thể tin chắc một phần nào nhưng nếu không được đánh giá, tổng hợp trong hệ thống chứng cứ của vụ án thì vẫn không thể dùng để kết tội bị cáo được.

Do đó, trong vụ án hình sự cụ thể, lời khai nhận tội của bị can hay bị cáo – lời thú nhận của bị can, bị cáo, liệu có thể coi là chứng cứ và là chứng cứ tốt nhất để kết tội các bị cáo khác trong vụ án này không? Nếu họ bị ép buộc, vì muốn được giảm nhẹ tội hay vì những nguyên nhân khác mà khai một cách không chính xác thì không thể coi lời khai của họ là hoàn toàn đáng tin cậy.

Mặt khác, khi thu thập chứng cứ từ phía những người làm chứng, nếu có từ hai người làm chứng không có quan hệ với nhau, họ lại có tất cả những phẩm chất và điều kiện của người làm chứng và khai thống nhất với nhau thì tình tiết được khai báo có thể tin cậy được. Tuy nhiên, những lời khai đó chỉ có thể đem lại khả năng đúng cao nhất nếu người làm chứng khi quan sát sự vật không bị những cảm giác của mình lừa dối hay bị nhầm lẫn do chủ quan. Trong trường hợp, những tình tiết khai báo được những người làm chứng hoàn toàn nhất trí và phù hợp với những lời khai, tài liệu khác thì nó rất đáng tin cậy.

Trường hợp lời khai của những người làm chứng mâu thuẫn nhau thì người tiến hành tố tụng cần nghiên cứu xem có phải ý kiến ấy phát sinh do những nguyên nhân khác nhau khiến người làm chứng khai báo không chính xác, lời khai của họ không chân thực.

Trong không ít vụ án, lời khai của nhiều người làm chứng không thống nhất với nhau, do đó cần được so sánh đối chiếu với các chứng cứ khác trong vụ án để tìm ra những lời khai phù hợp có khả năng chứng minh một hay nhiều vấn đề cụ thể cần giải quyết trong vụ án.

Ngoài ra, vấn đề thu thập chứng cứ bằng những biện pháp không hợp pháp hay cố tình làm sai lệch những chứng cứ đã thu thập được cũng là vấn đề nổi cộm trong hoạt động điều tra của cơ quan điều tra. Cụ thể:

Điều tra viên đã sửa chữa ngày tháng của các tài liệu có trong hồ sơ vụ án;
Có rất nhiều tài liệu có lợi cho bị cáo mà điều tra viên đã thu thập được trước đó nhưng cố tình không đưa vào hồ sơ. Mãi đến khi tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm và yêu cầu bổ sung chứng cứ thì những tài liệu này mới “xuất hiện” trong hồ sơ;
Khi lấy lời khai của những bị can đang bị tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng đã bộc lộ những thiếu sót, gây nghi ngờ đối với tính xác thực của các chứng cứ được thu thập. Trong quá trình điều tra, điều tra viên lấy lời khai của bị can bằng cách quay video nhưng không lập biên bản, không phát lại cho bị can xem; mớm cung cho các bị can bằng cách cho các bị can nghe băng cassette, xem băng video về lời khai của người khác trước khi trả lời. Như vậy, việc điều tra viên cho bị can này nghe lại băng ghi âm lời nhận tội của bị can khác để họ khai theo làm cơ sở buộc tội là một hình thức mớm cung trong hỏi cung, lấy lời khai mà pháp luật tố tụng hình sự nghiêm cấm. Hoạt động này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc thu thập chứng cứ. Pháp luật không cấm việc ghi âm nhưng để việc làm này được coi là hợp pháp thì điều tra viên cần tuân thủ đúng trình tự thủ tục tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 132 BLTTHS.
Để tránh những sai sót như trên, khi thu thập chứng cứ cần lưu ý:

Chỉ được sử dụng các biện pháp do BLTTHS cho phép để thu thập chứng cứ và phải tuân theo đúng trình tự, thủ tục do luật quy định; tuyệt đối không được mớm cung, bức cung, dùng nhục hình để buộc bị can nhận tội;
Khi thu thập chứng cứ không được làm sai lệch tài liệu, bỏ ra ngoài hồ sơ những tài liệu quan trọng , thêm bớt hoặc sửa chữa lời khailàm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án …
Việc thu thập chứng cứ cần phải nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ;
Đối với các vật chứng, cần phải thu thập kịp thời, đầy đủ và mô tả đúng thực trạng vào biên bản. Đồng thời, vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn để chúng có giá trị chứng minh.
Trong quá trình tố tụng, không chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thu thập và sử dụng chứng cứ trong quá trình chứng minh, mà những người tham gia tố tụng cũng có quyền đưa ra chứng cứ, sử dụng chứng cứ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đảm bảo sự thật khách quan. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể quyền của bị can, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… trong việc đưa ra chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Như vậy, nếu chúng ta tạo được sự bình đẳng hơn nữa giữa bên tiến hành tố tụng và bên tham gia tố tụng trong việc thực hiện quyền đưa ra chứng cứ thì việc giải quyết vụ án có thể nhanh chóng và kịp thời hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh mở rộng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay là: “Khi xét xử các Tòa án phải đảm bảo cho mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ khách quan. Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, những người có quyền và lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định” thì việc làm đó càng có ý nghĩa.

Thực tiễn tố tụng hình sự nước ta thời gian qua cho thấy, nhiều sai lầm, thiếu sót trong việc đánh giá và sử dụng chứng cứ đã dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng, xét xử còn nhiều oan, sai. Những sai sót này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thu thập chứng cứ không hợp pháp cũng là nguyên nhân làm cho việc đánh giá và sử dụng chứng cứ không chính xác.

Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến các nội dung cụ thể của việc đánh giá và sử dụng chứng cứ mà chỉ trình bày suy nghĩ về một số vấn đề cơ bản liên quan đến nội dung này.

Thứ nhất, đánh giá chứng cứ là hoạt động tư duy lôgíc được tiến hành dựa trên cơ sở pháp luật, ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm để xác định mức độ tin cậy, giá trị của từng chứng cứ cũng như của tổng hợp các chứng cứ có trong vụ án, từ đó rút ra kết luận về vụ án.

Với cách hiểu như trên, mục đích trực tiếp của hoạt động đánh giá chứng cứ sẽ nhằm xác định:

Tính xác thực, độ tin cậy và giá trị của các chứng cứ thu thập được;
Khả năng sử dụng chứng cứ này hay chứng cứ khác trong hệ thống chứng cứ để chứng minh vụ án;
Xác định tính chất, ý nghĩa và mức độ liên quan giữa chứng cứ được sử dụng với các chứng cứ khác.
Giá trị của từng chứng cứ đối với việc chứng minh các vấn đề phải chứng minh;
Hướng sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng chứng cứ.
Để đạt được mục đích trên, chúng ta cần có sự so sánh, đối chiếu giữa các chứng cứ đã thu thập được để xem giữa các chứng cứ đó có sự phù hợp hay mâu thuẫn với nhau. Đối với các chứng cứ đã được thu thập, kiểm tra, nghiên cứu xác định tính xác thực, tính liên quan của chứng cứ cần phải có sự đối chiếu, so sánh giữa các chứng cứ với nhau, đồng thời cũng đối chiếu, so sánh với tất cả các tình tiết đã được xác định trong vụ án, kiểm tra để xem xét chúng có phù hợp với nhau hay không, những chứng cứ nào có cùng mục đích buộc tội, gỡ tội. Việc xác định có hay không sự mâu thuẫn giữa các chứng cứ trong cùng vụ án là có căn cứ, cơ sở để quyết định việc tiếp tục điều tra bổ sung, thu thập thêm chứng cứ mới, khẳng định tình tiết nào đó trong vụ án là sự thật, hoặc cũng có thể là cơ sở để phủ định, xác lập hay buộc tội.

Khi thực hiện các hoạt động tố tụng, trong số những chứng cứ đã thu thập được, có thể có những chứng cứ bị nghi ngờ về tính chính xác, không đảm bảo độ tin cậy để chứng minh các tình tiết trong vụ án. Vì vậy, trong quá trình đánh giá, sử dụng chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng phải phát hiện, tìm thêm những chứng cứ mới trong vụ án để củng cố, khẳng định tính đúng đắn của chứng cứ đã thu thập hoặc ngược lại, thông qua nội dung thông tin từ chứng cứ mới mà bác bỏ, phủ định chứng cứ cũ.

Vấn đề đầu tiên phải xác định khi đánh giá từng chứng cứ là kết luận về tính chính xác, tính khách quan của từng chứng cứ, đây là vấn đề có tính tiên quyết trong khâu đánh giá chứng cứ, vì nếu không kết luận được tính xác thực của chứng cứ thì không thể nói tới giá trị chứng minh của nó. Vì vậy, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải xác định xem chứng cứ được sử dụng ở nguồn nào, có nằm trong tổng hợp hệ thống các chứng cứ trong vụ án hay không. Đồng thời phải xem chứng cứ đó có mối liên hệ với các chứng cứ khác như thế nào, liên hệ trực tiếp hay gián tiếp, chúng có bổ sung hỗ trợ gì cho nhau không. Việc xác định mối quan hệ giữa các chứng cứ là một nhiệm vụ quan trọng của những người tiến hành tố tụng. Nó là điều kiện cần thiết và bảo đảm để xác định sự thật của vụ án.

Sau khi đã xác định được tính chính xác của chứng cứ, việc tiếp theo là phải kết luận giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Tức là xác định xem chứng cứ đó có khả năng làm rõ được tình tiết nào trong vụ án, mức độ tin cậy của chứng cứ đó ở chừng mực nào, giới hạn đến đâu, chứng cứ đó có giá trị chứng minh một phần hay toàn bộ vụ án, chứng minh trực tiếp hay gián tiếp, chứng cứ đó đã đủ cơ sở để đưa ra những kết luận và quyết định cuối cùng hay không. Nếu nhận thức sự việc đúng sẽ dẫn tới kết luận định tội danh và quyết định hình phạt đúng, còn nếu nhận thức sai sẽ dẫn tới những kết luận sai.

Chính vì vậy, việc đánh giá và xác định giá trị chứng minh của chứng cứ có vai trò rất quan trọng. Ngoài các yêu cầu nói trên, khi đánh giá chứng cứ phải xem xét về giá trị pháp lý của từng chứng cứ, tức là đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ, chứng cứ phải được phản ánh từ các nguồn do pháp luật thừa nhận và bằng các biện pháp phù hợp với các quy định của pháp luật. Thông tin dù có đủ các thuộc tính khách quan và liên quan nhưng những nguồn và biện pháp thu thập thông tin không phù hợp với quy định của pháp luật, thì những tài liệu thông tin đó không được dùng làm căn cứ chứng minh trong vụ án hình sự.

Thứ hai, sử dụng chứng cứ phải tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ trong tố tụng hình sự. Chỉ sử dụng các chứng cứ được phát hiện, thu thập theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, và các chứng cứ đó phải được kiểm tra đầy đủ, bảo đảm ba thuộc tính của chứng cứ và phải phù hợp với thực tế khách quan, đảm bảo đủ căn cứ. Các chứng cứ sau khi đã được kiểm tra, đánh giá, đã xác định được giá trị chứng minh của từng chứng cứ thì chỉ được sử dụng với đúng giá trị của nó. Giá trị chứng minh của từng chứng cứ đều có những giới hạn, phạm vi nhất định. Việc sử dụng cần căn cứ vào giới hạn, giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Không được phán đoán chủ quan, sử dụng gượng ép ngoài khả năng chứng minh của chứng cứ.

Tuy nhiên, trong không ít vụ án hình sự những chứng cứ được đưa ra để kết luận một người đã thực hiện hành vi phạm tội của cơ quan tiến hành tố tụng còn có điểm gây nghi ngờ trong dư luận. Điều đó chứng tỏ việc đánh giá và sử dụng chứng cứ mà cụ thể là vật chứng; lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bi cáo; kết luận giám định và các biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác của người tiến hành tố tụng còn nhiều điều phải tranh cãi.

Để việc thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ hợp pháp, có tính thuyết phục cao không chỉ đối với người tiến hành tố tụng mà cả những người tham gia tố tụng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Chứng cứ phải được phát hiện kịp thời nhằm xác định các sự kiện cơ bản của vụ án và nó phải tương ứng với sự kiện xảy ra;
Chứng cứ được phát hiện cần được thu thập theo trình tự do BLTTHS quy định và ghi nhận dưới những hình thức pháp lý nhất định;
Chứng cứ làm cơ sở cho cơ quan tiến hành tố tụng kết luận cần phải được kiểm tra tính xác thực, đúng đắn của nó thông qua việc nghiên cứu chứng cứ, phát hiện những chứng cứ mới, củng cố hoặc bác bỏ chứng cứ đó cũng như đối chiếu, so sánh các chứng cứ với chứng cứ khác có trong vụ án;
Đánh giá chứng cứ để kết luận về tính xác thực hay không xác thực của chứng cứ.
TS. Nguyễn Văn Huyên – Phó GĐ Học viện Tư pháp (hiện nay tác giả có chức danh Phó giáo sư)

Lê Thanh Bình – Toà án quân sự Quân khu 4

Theo: Tham luận trình bày tại Hội thảo “Sự thật và xác định sự thật trong vụ án hình sự”

Học viện Tư pháp, năm 2005.
Share on Google Plus

About Ước An

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 comments:

  1. trao đổi dễ dàng hơn khi tham gia cộng đồng luật giỏi nhất Việt Nam chỉ với app iura
    https://iura.vn/

    ReplyDelete