Chứng cứ là một chế định
rất quan trọng trong tố tụng nói chung và Tố tụng hình sự nói riêng. Trong tố tụng
hình sự, để có cơ sở giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của người
phạm tội cũng như bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của tổ
chức, công dân (kể cả bản thân người phạm tội) tránh được oan, sai, đòi hỏi các
cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải thu thập, kiểm tra, bảo
quản, đánh giá và sử dụng chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và hợp
pháp.
* Điều 64 BLTTHS năm
2003 (sau đây gọi là BLTTHS 2003) quy định về chứng cứ như sau:
“1. Chứng cứ là những
gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không
có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như các tình tiết
khác giúp cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
2. Chứng cứ được xác định
bằng:
a) Vật chứng
b) Lời khai của người
làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi –
nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
c) Kết luận giám định
d) Biên bản về hoạt động
điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”.
Từ quy định trên đây
cho ta thấy, vật chứng là một nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án hình sự.
Thông qua vật chứng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm
quyền có thể rút ra được các chứng cứ để chứng minh tội phạm và người phạm tội
cũng như các tình tiết khác, giúp cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
1. Cơ sở lý luận của vật
chứng
– Hoạt động phạm tội là
một loại hoạt động vật chất, khi người phạm tội thực hiện một tội phạm thì họ
thông qua các động tác của cơ thể trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến đối tượng
này hay đối tượng khác thuộc thế giới khách quan và các hoạt động đó được ghi lại,
lưu giữ thông qua những điều kiện, môi trường khác nhau thuộc thế giới khách
quan và ta gọi chung nhất là những “dấu vết” của tội phạm, chúng bao gồm những
“dấu vết” vật chất và “dấu vết” phi vật chất.
– Vấn đề đặt ra là vì
sao ta nhận thức được vụ án và vì sao hoạt động phạm tội lại để lại “dấu vết”
trong thế giới khách quan?
– Lý luận chủ nghĩa
Mác-Lênin cho chúng ta thấy rằng: Thế giới vật chất có thể thuộc tính phản ánh
hay nói cách khác, mọi sự vật hiện tượng thuộc thế giới vật chất trong thế giới
khách quan đều có thuộc tính phản ánh, đó là sự “tự” phản ánh hoặc phản ánh
thông qua sự tác động qua lại lẫn nhau của các sự vật, hiện tượng. Ví dụ như:
Hành vi trộm cắp làm thay đổi tình trạng bình thường của tài sản (tài sản đang
từ sự chiếm hữu của chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp sang sự chiếm hữu bất
hợp pháp của người phạm tội); hay dùng dao chém bị thương nạn nhân thì để lại vết
cắt trên cơ thể nạn nhân v.v… Nói tóm lại, thông qua sự phản ánh của các sự vật,
hiện tượng liên quan mà chúng ta biết được diễn biến hành vi phạm tội, người phạm
tội và các tình tiết khác của vụ án; chính những sự vật hiện tượng mang tính hữu
hình, cụ thể, phản ánh các tình tiết của tội phạm đó trong tố tụng hình sự gọi
là “vật chứng”.
– Lý luận chủ nghĩa
Mác-Lênin cũng cho chúng ta biết thêm rằng quy luật biện chứng của nhận thức
chân lý là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng
trở về thực tiễn; hay nói cách khác, con đường biện chứng của nhận thức là từ đơn
giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều, từ cảm tính đến lý tính. Trong việc nghiên
cứu, phân tích, đánh giá, nhận thức về một vụ án không phải một sớm một chiều,
ngay tức khắc chúng ta có thể nắm bắt được bản chất của vụ án mà chúng ta phải
trải qua nhiều quá trình khác nhau từ những tin tức, tài liệu, đồ vật được thu
thập, kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình tố tụng từ giai đoạn khởi tố đến
xét xử.
– Như vậy, cơ sở lý luận
của vật chứng là lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về thuộc tính phản ánh của thế
giới vật chất và Quy luật biện chứng của nhận thức chân lý khách quan.
2. Ý nghĩa của vật chứng
trong tố tụng hình sự
– Theo quy định tại khoản
2 Điều 64 BLTTHS thì vật chứng được coi là một nguồn chứng cứ, có nghĩa rằng, vật
chứng là một trong những hình thức tồn tại của chứng cứ; một phần chứng cứ chứng
minh cho các tình tiết của vụ án được rút ra từ vật chứng. Chẳng hạn như dao
dùng để chém nạn nhân, nếu ra thu giữ được thì nó là vật mà thông qua đó, ta
xác định được công cụ phạm tội là dao chứ không phải là cái gì khác; một chiếc
dép thu được tại hiện trường vụ cướp tài sản nó sẽ trở thành chứng cứ chứng
minh cho sự hiện diện của chủ nhân chiếc dép tại nơi xảy ra vụ án v.v… Như vậy,
vật chứng là vật mà thông qua nó chúng ta có thể chứng minh được tình tiết này
hay tình tiết khác của vụ án; trong một số trường hợp nó có ý nghĩa quyết định
cho việc điều tra, khám phá, xử lý tội phạm và người phạm tội.
3. Nội hàm và ngoại
diên khái niệm vật chứng
– Điều 74 BLTTHS định
nghĩa về vật chứng như sau: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện
phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền
bạc và vật chất có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.
– Theo Điều 74 BLTTHS
thì, vật chứng trước hết phải là “vật” chứ không thể là cái gì khác. Dưới góc độ
ngôn ngữ học thì khái niệm “vật” được hiểu là “cái có hình khối và có thể nhận
biết được”.
– Thông qua định nghĩa
về “vật” ta có thể hiểu cái có hình khối tức là có kích thước (dài, rộng, cao)
và có trọng lượng mà con người có thể nhận biết được thông qua các giác quan
như mắt nhìn, tay sờ, cầm, nắm; thông qua các giác quan đó chúng ta cảm giác được
nặng, nhẹ, to, nhỏ.
– Như vậy, các sự vật,
hiện tượng mang tính hữu hình cụ thể đều thuộc khái niệm “vật” và có thể là vật
chứng trong vụ án hình sự.
– Dưới góc độ logic, định
nghĩa về vật chứng tại Điều 74 BLTTHS chưa hoàn chỉnh về cấu trúc, bởi lẽ: Định
nghĩa vật chứng đó chỉ đề cập đến ngoại diên của khái niệm vật chứng, chứ chưa
đề cập đến nội hàm của nó, nội hàm khái niệm vật chứng phải đi từ nội hàm của
khái niệm vật và ý nghĩa của nó trong tố tụng hình sự. Theo chúng tôi, nội hàm
của khái niệm vật chứng phải được hiểu là: Vật có giá trị chứng minh tội phạm
và người phạm tội cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết
đúng đắn vụ án hình sự.
– Chính vì vậy, Điều 74
BLTTHS cần bổ sung thêm nội hàm của vật chứng và như vậy Điều 74 luật này cần
được sửa đổi bổ sung như sau: “Vật chứng là vật có giá trị chứng minh tội phạm,
người phạm tội cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn
vụ án.”
– Vật chứng bao gồm: Vật
được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là
đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và các vật khác có giá trị chứng minh
tội phạm và người phạm tội”.
3.1.Vật chứng là vật được
dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội
– Khái niệm công cụ,
phương tiện phạm tội đã được đề cập nhiều trong Bộ luật Hình sự, BLTTHS nhưng
chưa có một điều luật cụ thể nào đưa ra định nghĩa pháp lý về nó. Hiện nay,
trong các giáo trình Luật hình sự của các cơ sở đào tạo ngành Luật đều có định
nghĩa chung về công cụ, phương tiện phạm tội như sau:
– Công cụ phạm tội là đối
tượng vật chất mà người phạm tội sử dụng để tác động lên đối tượng tác động qua
đó gây thiệt hại cho khách thể; phương tiện phạm tội là dạng cụ thể của công cụ
phạm tội.
– Trong thực tiễn điều
tra, truy tố, xét xử, việc đánh giá một vật có phải là công cụ, phương tiện phạm
tội hay không nói chung không khó. Chúng ta thông qua mối liên hệ giữa người phạm
tội với đối tượng tác động cũng như phương pháp thực hiện hành vi phạm tội là
có thể nhận biết được một vật có phải công cụ, phương tiện phạm tội hay không.
– Vấn đề đặt ra là, loại
tội phạm nào thì có công cụ, phương tiện phạm tội, loại tội phạm nào thì không? Câu hỏi này hiện
nay vẫn chưa có sự giải đáp của cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên, theo các sách
báo pháp lý và thực tiễn tố tụng hình sự thì vấn đề công cụ, phương tiện phạm tội
chỉ đặt ra đối với những tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý; còn đối với những
tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý thì không có công cụ, phương tiện phạm tội,
mà có chăng chỉ là “vật mang dấu vết tội phạm” hoặc “vật khác có giá trị chứng
minh tội phạm và người phạm tội”. Chẳng hạn như trong vụ án đua motô trái phép
thì chiếc motô là phương tiện phạm tội, nhưng cũng với chiếc motô đó, nếu vi phạm
quy định về điều khiển phương tiện giao
thông đường bộ, thì bị xử lý theo Điều 202 BLHS thì được gọi là phương tiện gây
tai nạn (thông dụng) và thuộc khái niệm “vật có giá trị chứng minh tội phạm,
người phạm tội” hoặc “vật mang dấu vết tội phạm”.
3.2.Vật mang dấu vết tội
phạm
– Dấu vết tội phạm là
những phản ánh vật chất do tội phạm gây ra và được lưu giữ trên các đồ vật khác
nhau. Dấu vết tội phạm có thể tồn tại ở các dạng thể: rắn, lỏng, khí, mùi vị,
âm thanh, ánh sáng, từ trường, điện trường. tuy nhiên, không phải bất kì hành
vi phạm tội nào cũng đều gây ra dấu vết trên các vật thể khác nhau; có những “dấu
vết” tuy nó tồn tại trong môi trường xung quanh nhưng chúng không thể để lại dấu
vết trên các vật. Ví dụ như từ trường, điện trường, mùi vị, ánh sáng. Để thu được
những dấu vết này thì phải sử dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật và sau đó
được chuyển thành chứng cứ pháp lý thông qua các phương tiện khác. Ví dụ như
máy đo nồng độ cồn trong máu người gây tai nạn giao thông, dụng cụ hút và lưu
giữ mùi vị tại hiện trường vụ án, máy ghi âm ghi cường độ âm thanh, máy đo cường
độ ánh sáng… Tuy những máy móc này lưu giữ được các dấu vết của tội phạm nhưng
chúng ta không thể coi là vật chứng được. trong trường hợp này để đảm bảo kết
quả thu lượm dấu vết tại hiện trường có giá trị chứng minh thì Cơ quan điều tra
phải chuyển hóa thành các chứng cứ thông qua các dạng biên bản như: Biên bản
khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ mẫu vật, biên bản xác minh, biên bản
giám định; các loại biên bản này tuy có giá trị chứng minh nhưng cũng không được
coi là vật chứng.
– Như vậy, vật mang dấu
vết tội phạm chỉ bao gồm những vật hữu hình, cụ thể mà trên nó lưu lại được các
dấu vết tội phạm mà chúng ta có thể quan sát, đánh giá, phân tích, kiểm tra. Ví
dụ như con dao dính máu, vật mang vết trầy xước do vi phạm với các vật cứng
khác; phương tiện gây tai nạn giao thông có dấu vết va chạm dính sơn; chiếc lý
thủy tinh có dấu vân tay của người bị nghi thực hiện tội phạm….
3.3.Vật là đối tượng của
tội phạm
– Đây là đồ vật, tài sản
bị hành vi phạm tội tác động tới gây nên sự biến đổi tương đối về vị trí, hính
dáng, kích thước, tính chất… Ví dụ như chiếc ti vi trong vụ trộm cắp là đối tượng
của hành vi trộm cắp; hàng cấm là đối tượng của tội sản xuất, tàng trữ, vận
chuyển, mua bán hàng cấm; tài sản bị hư hỏng là đối tượng của hành vi hủy hoại
hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; hàng hóa trong tội buôn lậu…Vật là đối tượng của tội phạm cũng có thể là vật
mang dấu vết của tội phạm; tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể và vai trò chứng
minh của vật chứng đó để chúng ta xác định cho chính xác loại vật chứng. Ví dụ,
do thù hằn cá nhân, kẻ phạm tội vào nhà nạn nhân đập phá tài sản và bỏ trốn,
trong đó có chiếc xe moto và để lưu lại dấu vân tay trên yên xe; trong trường hợp
này ta nên xác định chiếc xe moto là vật mang dấu vết tội phạm chính xác hơn là
vật là đối tượng của tội phạm.
3.4.Tiền bạc, vật khác
có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội
3.4.1.Tiền bạc có giá
trị chứng minh tội phạm và người phạm tội
– Tiền bạc là một loại
tài sản, là phương tiện thanh toán, tiền bạc có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ;
các loại kim khí quý, đá quý, ngân phiếu, cổ phiếu, tuy có giá trị thanh toán,
trao đổi trên thị trường, tuy có giá trị trao đổi nhưng không thuộc khái niệm
tiền bạc mà có thể thuộc khái niệm vật là phương tiện phạm tội, vật là đối tượng
của tội phạm. Ví dụ: vàng, bạc, đá quý, ngân phiếu, cổ phiếu, công trái dùng
vào việc hối lộ thì thuộc khái niệm phương tiện phạm tội hoặc thuộc khái niệm vật
là đối tượng của tội phạm.
– Đối với tiền bạc, nếu
đã được xác định là đối tượng của tội phạm hoặc là công cụ, phương tiện, thì
tuy nó có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội nhưng không thuộc khái
niệm này (tiền bạc có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội). Ví dụ: tiền
bạc dùng đưa hối lộ là phương tiện phạm tội, tiền bạc trộm cắp được là đối tượng
của tội phạm… nếu tiền bạc dùng vào việc đánh bạc bị thu giữ tại chiếu bạc,
tièn bạc dùng để in ấn tài liệu phản động, mua ma túy thì là tiền bạc có giá trị
chứng minh tội phạm và người phạm tội.
3.4.2.Vật chứng là vật
khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội
Trong thực tiễn giải
quyết các vụ án hình sự, ngoài những vật, tiền bạc là vật chứng đã nêu trên thì
còn rất nhiều loại vật khác cũng liên quan đến vụ án và có giá trị chứng minh
cho tội phạm, người phạm tội và các tình tiết khác của vụ án, nhà làm luật
không thể mô tả hết các trường hợp thực tế và trong điều luật và chỉ nêu lên một
cách mang tính klhái quát là “vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người
phạm tội”.
Vật chứng minh cho tội
phạm là vật qua đó chúng ta có thể rút ra được chứng cứ chứng minh có tình tiết
này hay tình tiết khác thuộc bốn yếu tố cấu thành tội phạm (không thuộc các trường
hợp từ 3.2.1 đến 3.3 đã nếu trên)
– Ví dụ: chiếc áo của nạn
nhân bị đâm thủng trong tội cố ý gây thương tích, xe moto bị hư hỏng trong vụ
tai nạn giao thông…
– Trong thực tiễn thì
loại vật chứng này rất phong phú, đa dạng và nhiều, do vậy, tùy thuộc vào từng
loại án, mối liên hệ giữa vật chứng và đối tượng chứng minh cũng như giá trị chứng
minh của nó để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thu thập, kiểm
tra, dánh giá, sử dụng cho phù hợp. Không nên thu thâp và sử dụng quá nhiều vật
chứng thuộc loại này gây nên sự trùng lặp, rối rắm trong việc đánh giá, sử dụng
cũng như việc xử lý vật chứng. Vật chứng minh cho tội phạm bao gồm vật chứng
minh cho cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc cấu thành
tội phạm giảm nhẹ cũng như các tình tiết khác có ý nghĩ tăng nặng hoặc giảm nhẹ
trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Chúng ta không nên hiểu phiến diện vật
khác có giá trị chứng minh tội phạm chỉ bao gồm những vật chứng có giá trị chứng
minh cho tình tiết tăng nặng không thôi. Ví dụ: Trong vụ án vi phạm quy định về
điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 BLHS, thì giấy
phép lái xe chính là vật chứng để chứng minh cho việc người phạm tội có đủ điều
kiện để lái xe (trường hợp buộc phải có giấy phép lái xe) và điều này đã loại
trừ tình tiết tăng nặng định khung (không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo
quy định) cho người phạm tội theo khoản
2 Điều 202 của BLHS.
Vật khác có giá trị chứng
minh người phạm tội
– Theo nghĩa rộng, thì
khái niệm tội phạm đã bao hàm khái niệm người phạm tội, chính vì vậy, vật chứng
là vật khác có giá trị chứng minh cho tội phạm đã bao hàm khái niệm vật chứng
có giá trị chứng minh người phạm tội; tuy nhiên, để nhấn mạnh yếu tố chủ thể của
tội phạm và gần với cách hiểu thông thường nên nhà làm luật đã tách cụm từ “người
phạm tội” độc lập với tội phạm.
– Vật có giá trị chứng
minh người phạm tội là những vật chứng minh cho tư cách chủ thể tội phạm của một
người phạm tội, hay nói cách khác, những vật có giá trị xác định đúng một người
nào đó đã thực hiện hành vi phạm tội cũng như những đặc điểm khác thuộc nhân
thân người đó. Ví dụ: chiếc dép của người phạm tội (xác minh được) thu được tại
hiện trường vụ giết người; dấu vân tay thu được tại hiện trường (trên chiếc cốc)
của vụ trộm cắp tài sản do người phạm tội để lại (xác minh được)…
Trên đây là một số vấn
đề về nhận thức của cá nhân về nội dung khái niệm vật chứng trong khái niệm vật
chứng trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam, kính mong các đồng nghiệp cùng quan
tâm bàn luận để làm sáng tỏ vấn đề.
0 comments:
Post a Comment