Pháp luật online

Di chúc đơn phương có hợp pháp không?



Thừa kế là một chế định dân sự, tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người đang còn sống cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định, đồng thời quy định phạm vi, quyền nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế.
Di chúc là văn bản thể hiện ý của một người muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi mình chết. Như vậy, pháp luật về thừa kế tôn trọng quyền tự định đoạt của người để lại thừa kế, bằng những quy định cho phép người đó lập di chúc định đoạt tài sản của mình chuyển cho ai sau khi mình chết. Vậy, vấn đề pháp lý đặt ra một trong hai vợ chồng có quyền đơn phương lập di chúc phần tài sản của mình trong khối tài sản chung khi chưa có sự thỏa thuận bằng văn bản và chưa xác định rõ ràng giá trị tài sản hay không? Và việc một trong hai người đơn phương lập di chúc khi chưa thỏa mãn hai điều kiện trên thì có vô hiệu hay không? Với vai trò là những người hành nghề luật, trên cơ sở thực tiễn làm việc cũng như về mặt lý luận chúng tôi đi sâu, mổ xẻ những vấn đề này trên khía cạnh pháp lý như sau:
Theo quy định tại điều 197 của Bộ luật Dân sự quy định: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”. Như vậy, về mặt pháp lý thì chủ sở hữu tài sản có toàn quyền để lại di chúc của mình cho người khác mà không cần có sự đồng ý hay thỏa thuận bằng văn bản của người khác bởi vì di chúc là văn bản thể hiện ý chí của một người muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi mình chết.
Như vậy, lập di chúc để lại thừa kế là một trong những quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên trường hợp do tài sản là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng và một trong hai người chỉ là một đồng chủ sỡ hữu nên việc định đoạt (lập di chúc) phải tuân theo qui định của Pháp luật tại khoản 2 điều 223 BLDS: "Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật." Tóm lại, khoản 2 điều 223 BLDS không cho phép vợ hoặc chồng được đơn phương lập di chúc liên quan tới tài sản chung hợp nhất của hai người mà bắt buộc người vợ hoặc người chồng muốn lập di chúc phải có sự thỏa thuận của người còn lại. Nội dung thỏa thuận chắc chắn là phải xác định phần của mỗi người trong khối tài sản chung hợp nhất để từng người thực hiện quyền định đoạt (lập di chúc) đối với tài sản của mình. Việc thỏa thuận này phải thực hiện theo trình tự, thủ tục lập Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung.
Theo quy định tại điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về tài sản của vợ chồng như sau:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.
Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Tuy nhiên theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP, đối với tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà trên giấy chứng nhận quyền tài sản chỉ ghi tên một người thì tài sản vẫn được coi là tài sản chung vợ chồng và cả hai vợ chồng đều có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản đó (trừ trường hợp người vợ/người chồng chứng minh được đó là tài sản riêng của mình). Mặt khác trong thời kì hôn nhân vợ chồng có quyền có tài sản riêng. Việc phân chia tài sản tiêng phải được lập thành văn bản.
Đối chiếu với các điều, khoản của Luật hôn nhân gia đình và nghị quyết 01/2000 ngày 23/12/2000 thì một trong hai người vợ hoặc chồng khi đơn phương lập di chúc cần xác định rõ:
1. Nếu trong thời kỳ hôn nhân vợ, chồng cùng nhau tạo lập tài sản nhưng không có việc phân chia tài sản hoặc có phân chia nhưng không thỏa thuận bằng văn bản thì một trong hai bên không thể đơn phương lập di chúc để lại tài sản được bởi vì tài sản của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất không thể phân định rõ ràng từng phần của từng người được theo quy định tại điều 219 Bộ luật dân sự. Điều 219 Bộ luât dân sự năm 2005 quy định về Sở hữu chung của vợ chồng : “Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. (khoản 1 điều 27 luật hôn nhân gia đình cũng quy định tài sản chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất). Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”.
Như vậy, tài sản của vợ chồng được hình thành trong thời kì hôn nhân nếu không có sự thỏa thuận văn bản về việc phân chia tài sản riêng thì được xem là tài sản chung hợp nhất mà đã là tài sản chung hợp nhất thì không thể nào phân chia từng phần riêng, cụ thể cho từng người được để lập di chúc.
2. Nếu trong thời kì hôn nhân vợ, chồng có phân chia tài sản riêng được lập thành văn bản thì một trong hai bên có quyền đơn phương lập di chúc đối với khối tài sản mà không cần có ý kiến của người còn lại.
3. Hoặc trước thời kì hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân vợ, chồng được tặng cho, thừa kế,  có tài sản riêng không nhập vào khối tài sản chung, có thể là quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác mà có giấy tờ chứng minh được đó là tài riêng của một trong hai người thì cũng có thể đơn phương lập di chúc riêng.
Mặt khác theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự. Quyền thừa kế của cá nhân
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật
Như vậy, điều luật trên cũng đã chỉ rõ cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản nhưng tài sản ở đây là tài sản minh thị rõ ràng, tách biệt không có sự chung, riêng ở đây. Còn tài sản của vợ, chồng có sự hợp nhất không rõ ràng, tách bạch thì việc đơn phương để lại di chúc có nhiều vấn đề cần làm rõ.
Ví dụ: Vợ chồng ông A và bà B có tài sản chung là một căn nhà ba gian và quyền sử dụng đất 200 m2 hiện nay bà B muốn để lại di sản của mình cho con trai là C với nội dung "lách luật" bằng cách lập di chúc hình thức Văn bản không có người làm chứng, hoặc có người làm chứng với nội dung chung chung "để lại cho con tôi là C toàn bộ phần tài sản của tôi trong khối tài sản chung với chồng là ông A" thì di chúc đó sẽ bị vô hiệu hay không? Theo quan điểm của cá nhân tôi nếu việc đơn phương để lại di chúc của vợ hoặc chồng mà chưa phân định rõ ràng trong khối tài sản chung thì việc lập di chúc đó sẽ dẫn đến vô hiệu bởi vì điều đó sẽ vi phạm khoản 2 điều 223 BLDS: “Định đoạt tài sản chung hợp nhất mà không có thỏa thuận của người đồng sỡ hữu”. Vi phạm điều 646 BLDS “chuyển giao tài sản chung hợp nhất chứ không phải chuyển giao "tài sản của mình"”. Vi phạm điều 411 BLDS “thời điểm lập di chúc không biết phần sỡ hữu là bao nhiêu nên đó là đối tượng không thực hiện được”.
Tóm lại, Bộ luật dân sự năm 2005 có những quy định khá rõ ràng về chế định thừa kế, tuy nhiên việc vợ, hoặc chồng có quyền đơn phương lập di chúc để lại di sản thừa kế trong khối tài sản chung hợp nhất hay không vẫn chưa được quy định. Vì vậy, thiết nghĩ dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự sắp tới quy định rõ vấn đề này.
Thông qua bài viết này mong nhận được ý kiến từ mọi người
                                                                                             

                                                                                             Dương Lê Ước An



Share on Google Plus

About Ước An

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment