Pháp luật online

Luật sư – Phần 1: Các tên gọi và chức năng

Trương Tự Minh – Nhắc đến luật sư, đa phần mọi người thường liên tưởng đến hình ảnh những phiên đấu lý đầy kịch tính chốn pháp đình, nơi mà công lý ít nhiều chịu chi phối bởi sức mạnh ngôn từ của những “thầy cãi”. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần mảnh ghép trong bức tranh tổng thể của những người hành nghề luật sư. Trong tiếng Anh, lawyerlà từ chung nhất để diễn tả người làm công việc này. Từ điển luật học Black’s Law Dictionary định nghĩa, ‘lawyer’ là người đã được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ để thực hành luật [1]. Ở Mỹ, một luật sư còn có thể được gọi là attorney với ý nghĩa trang trọng hoặc cho biết một chức danh (VD: district attorney – công tố viên, Attorney General – Tổng chưởng lý/Bộ trưởng Tư pháp).

Luật sư thực hành luật trong những tình huống pháp lý cụ thể. Theo yêu cầu của khách hàng hoặc thân chủ (client), luật sư có thể đại diện (represent) cho thân chủ tại tòa, biện hộ trong các tranh chấp dân sự hay vụ án hình sự, tư vấn pháp luật hoặc tham gia các giao dịch thương mại theo ủy quyền.
Nhu cầu xã hội và chức năng của luật sư
Trong một xã hội pháp trị, trật tự và công lý được duy trì khi các cá nhân tuân thủ và chấp hành luật pháp. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản pháp luật và bản thân các thuật ngữ pháp lý luôn ra ngoài sự hiểu biết của người thường (layman). Vì vậy xã hội luôn cần những người có kiến thức chuyên môn về pháp lý để giúp đỡ họ trong những vấn đề phát sinh từ các quan hệ pháp luật. Trong cuốn The Lawyers năm 1966, tác giả, nhà báo người Mỹ Martin Mayer đã chỉ ra 4 chức năng của một luật sư, bao gồm: tư vấn (counseling), đảm bảo hiệu lực pháp lý có lợi cho thân chủ (securing), đàm phán, thương thuyết (negotiating), và tranh tụng (fighting)
Court-of-Chancery
Một phiên tòa tại Tòa án Chancery – một tòa án công bình (court of equity) ở Anh và xứ Wales, đầu thế kỷ XIX. (Ảnh: Wikipedia)
Từ những năm 1000 Công nguyên, nhu cầu cần có các chuyên gia am hiểu pháp luật đã xuất hiện ở nước Anh thời Trung cổ. Vào thời điểm đó, tòa án hoàng gia Anh được tổ chức bằng hình thức xét xử lưu động. Theo đó, mỗi vị thẩm phán/quan tòa (judges) được đức vua phân công phụ trách một khu vực nhất định. Vì các khu vực được giao có diện tích rất rộng, trong khi khu vực tập trung dân cư lại cách xa nhau, nên các quan tòa thường cưỡi ngựa du hành từ thị trấn này sang thị trấn khác để xét xử.   
Trên những chặng đường như vậy, đôi khi các vị quan tòa tình cờ gặp nhau rồi ghé vào quán rượu ven đường trao đổi. Họ phát hiện ra có những vụ việc rất tương đồng nhưng mỗi người trong số họ lại chọn cách phân xử khác nhau. Dần dần họ bắt đầu nhận ra mối nguy từ tình trạng này. Bởi đa số người dân chỉ hiểu và trông đợi vào một quan niệm công lý đơn giản rằng tất cả mọi người phải được đối xử giống nhau trong các hoàn cảnh giống nhau, vì vậy nếu một anh nông dân bị thua kiện nào đó tâu lên vua rằng anh ta đã không được phân xử giống như các trường hợp tương tự khác, các quan tòa không chỉ mất việc mà còn có nguy cơ mất đầu.
Từ đó, họ quyết định gặp nhau thường xuyên để trao đổi và thảo luận các vụ việc đã xét xử. Thế là trong một quán trọ bên đường nào đó, các quan tòa ngồi lại xem xét những trường hợp có tình tiết (facts) hoặc vấn đề pháp lý (legal issues) giống nhau để cùng thống nhất hướng giải thích, lập luận (reasoning) và cách phân xử (decision). Từ đây học thuyết án lệ (doctrine of stare decisis [2]) hình thành. Theo đó, các quan tòa xét xử dựa trên quyết định trước đó của đồng nghiệp trong một vụ việc tương tự, hay còn gọi là án lệ (precedent). Qua thời gian, các án lệ được tham chiếu và áp dụng tương tự nhiều lần trở thành luật chung (common law) có hiệu lực trên toàn lãnh thổ nước Anh.
Khi người dân Anh dần nhận ra các vị quan tòa có xu hướng dựa theo án lệ để xét xử, họ bắt đầu tìm đến những người có hiểu biết về luật pháp để hỏi xin ý kiến. Những người này do thường xuyên theo dõi các phiên tòa nên có thể chỉ ra kết cục mà quan tòa sẽ giải quyết cho vụ tranh chấp, từ đó cho lời khuyên liệu có nên bỏ công sức và tiền của đem tranh chấp ra tòa phân xử hay không. Chính từ thực tiễn này, nghề tư vấn luật đã ra đời. Trong ngữ cảnh ngày nay, nhằm nhấn mạnh chức năng tư vấn (counseling) của luật sư, đôi khi một người luật sư cũng có thể được gọi là counselor. Trong khi đó, để chỉ luật sư đơn thuần làm công việc tư vấn và soạn thảo văn bản pháp lý, ở Anh người ta dùng chức danh solicitor. Thông thường, các hướng dẫn và khuyến nghị pháp lý (legal advice) được đưa ra trong buổi tư vấn (an interview) giữa luật sư và thân chủ.
Xã hội tiếp tục cần đến vai trò của những chuyên gia về pháp luật khi các hoạt động pháp lý dần chuyển sang dạng văn bản theo sự phát triển của ngành luật tư (private law). Để đảm bảo (to secure) các bên thực hiện đúng lời hứa trong một thỏa thuận, chẳng hạn như một thương vụ mua bán, các cam kết và giao ước giữa hai bên sẽ được ghi nhận lại trong một văn bản có giá trị làm bằng chứng (an instrument).  Do có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, luật sư thường được khách hàng tìm đến nhờ soạn thảo (to draft) các văn bản pháp lý quan trọng (hợp đồng, thỏa thuận tiền hôn nhân, di chúc, v.v…) nhằm đảm bảo kết quả mong muốn.
Đàm phán, thương thuyết (negotiation) là hoạt động trao đổi, thảo luận giữa các bên đang gặp phải hoặc có nguy cơ gặp phải mâu thuẫn lợi ích với mục đích đạt được một thỏa thuận có thể thỏa mãn các bên liên quan. Trong hầu hết các trường hợp, việc đàm phán, thương thuyết (to negotiate) nên để luật sư đảm trách. Người trực tiếp tham gia đàm phán, thương thuyết (a negotiator) có thể là luật sư đại diện hoặc bản thân các bên.
Nói về đại diện, trong tiếng Anh để chỉ tư cách pháp lý này bạn có thể dùng tương đương representative hoặc agent ở dạng danh từ, hayto represent ở dạng động từ[3]. Từ attorney ngoài nghĩa gốc là luật sư còn có nghĩa là người được ủy quyền [4]. Vì vậy, khi một luật sư được gọi bằng chức danh “attorney”, điều này được hiểu anh ta/cô ta thực hiện các công việc pháp lý đại diện cho khách hàng của mình. Ngày nay, do hầu hết các nước đều quy định luật sư phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được đại diện cho thân chủ, nên có thể dùng attorney vàlawyer thay thế lẫn nhau. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có một số luật sư có công việc không liên quan đến hoạt động đại diện cho thân chủ. Với nhóm này, bạn chỉ có thể gọi họ là lawyer mà thôi.
Tranh tụng là chức năng cuối cùng và nổi bật nhất, vốn thường được phim ảnh khắc họa về nghề luật sư.  Đây cũng là công việc xuất phát từ một thực tế và quan niệm xã hội. Trong đa số trường hợp, khi bạn tham gia vào một tranh chấp dân sự hay có liên quan trong vụ án hình sự, việc có một luật sư đứng ra biện hộ (to defend) cho mình sẽ giúp những lý lẽ từ phía bạn trở nên thuyết phục hơn. Điều đó gián tiếp gửi đi một thông điệp rằng có một người khác ngoài bạn đủ tin tưởng vào lý lẽ bạn đưa ra để quyết định bảo vệ cho chúng và đứng về phía bạn. Ngược lại nếu tự biện hộ cho mình (self-defend), mọi điều bạn nói có thể bị xem là thiếu khách quan.
phoenix-attorney-john-flynn-with-miranda1
Luật sư John Flynn (trái) đang thảo luận với Ernesto Miranda (phải) tại tòa trong vụ án Miranda. Ông đã đi vào lịch sử tố tụng Hoa Kỳ với việc bào chữa thành công cho Miranda tại Tòa án Tối Cao dẫn đến những quy định về quyền im lặng, quyền được có luật sư và “cảnh báo Miranda” nổi tiếng. (Ảnh: Arizone Republic)
Quan trọng hơn, khi một cá nhân bị truy tố ra tòa về tội hình sự, người đó không thể có đủ chuyên môn và khả năng thu thập chứng cứ bảo vệ mình. Vì vậy phải cần đến sự trợ giúp của luật sư. Nhằm nhấn mạnh chức năng tranh tụng (fighting), một luật sư thường có hoạt động bảo vệ quyền lợi cho thân chủ tại tòa án được gọi là advocate.
Tuy nhiên, một cá nhân vẫn luôn có quyền tự biện hộ cho mình nếu người đó tin rằng chỉ có bản thân hiểu rõ nhất sự việc và trình bày các lý lẽ tốt nhất. Ở Mỹ, một cá nhân hoặc tổ chức tự biện hộ cho mình tại tòa (dân sự lẫn hình sự) được gọi là pro se/pro per[5] litigant, còn ở Anh và xứ Wales gọi là litigant in person.
Theo suy nghĩ thông thường, khi một luật sư trở thành một bên trong tranh chấp dân sự tại tòa hoặc bị truy tố tội hình sự, với chuyên môn và là người biết rõ nhất trường hợp của bản thân, anh ta/cô ta là người thích hợp nhất tự bào chữa cho mình. Thế nhưng đa số giới hành nghề luật ở Mỹ có quan điểm phê phán lựa chọn này, dựa trên tính chủ quan của việc tự biện hộ. Người ta thường châm biếm bằng một câu nói nổi tiếng của Samuel Johnson: “A person who represents himself (or herself) has a fool for a client” (“Thân chủ của kẻ đại diện cho chính mình ở tòa là một tay ngốc nghếch”).
(Lược thuật từ cuốn ‘Legal Terminology Explained’ của tác giả Edward Nolfi)
Chú thích:
[1] “One who is licensed to practice law” – Black’s Law Dictionary (9th edition), trang 968.
[2] Thuật ngữ gốc Latin, có nghĩa “to stand by the decision” – “dựa theo quyết định trước đó
[3] VD: (i) If you’re going to rent out your house while you’re abroad, you’ll need someone to act as your agent here; (ii) Ms. Smith is representing the defendant in this case.
[4] Power of attorney: thẩm quyền đại diện
[5] Pro se/Pro per là thuật ngữ Latin, có nghĩa “for himself/for herself” – “tự bản thân cá nhân
Share on Google Plus

About Ước An

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment